Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

16 thg 8, 2010

Vụ án PCI: Những cuộc ngả giá bạc tỷ và kẻ đứng phía sau là ai?

Bạch hóa PCI rốt cuộc cũng chỉ là ván cờ thí tốt nhằm trấn an dư luận trong nước và quốc tế. Kẻ đứng cao hơn phía sau Huỳnh Ngọc Sĩ vẫn nghênh ngang, chảnh chọe. Bởi vì Huỳnh Ngọc Sĩ không bao giờ có thể ăn mảnh một mình trong cái cơ chế maphia hiện nay tại Việt Nam. Phê chuẩn chỉ định thầu PCI không ai khác là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.




Vốn ODA (Official Development Assistance – Hỗ trợ Phát triển) rất cần thiết đối với các quốc gia nghèo trong lĩnh vực phát triển kinh tế, đặc biệt trong xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nhưng để nguồn vuốn được tận dụng với hiệu quả tối đa, thì ngoài kế hoạch chiến lược xác định cụ thể các hạng mục ưu tiên của nước nhận viện trợ, còn đòi hỏi tại quốc gia đó có hệ thống tư pháp độc lập, môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, phải có các định chế nhà nước khác cũng như các tổ chức phi chính phủ nhằm kiểm tra giám sát lẫn nhau, ngăn chặn tiêu cực, trong đó báo chí tự do đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Trong hơn hai mươi năm xây dựng thể chế dân chủ tại Ba Lan, chính báo chí truyền thông tự do phát hiện ra hầu hết các vụ bê bối chính trị hoặc tham nhũng lớn nhất, chứ không phải các cơ quan chức trách.
Tất cả những điều nêu trên đều chưa có tại Việt Nam dưới sự độc quyền lãnh đạo và thao túng toàn diện của đạo Đảng Cộng sản Việt nam.

Khi nhận ODA, thoạt đầu chúng ta có cảm tưởng Việt Nam được ưu ái bởi đối tác nước ngoài. Trong thực tế, đấy chỉ là mặt sáng của tấm huy chương. Bởi vì, các khoản đầu tư này là các khoản cho vay (thường của Nhà nước) không lãi suất hoặc lãi suất thấp với thời gian vay dài.

Qua vụ án PCI ta thấy mặt trái của tấm huy chương có rất nhiều vần đề. Thay vì phải cân nhắc thận trọng khi nhận nguồn vốn này, thì lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cộng sản (CS) Việt Nam lại duy ý chí, cho rằng, đất nước đang cần được đầu tư phát triển, có nguồn cho vay là tốt rồi. Nợ nần đâu con cháu trả. Siêu Dự án Đường tàu cao tốt với 56 tỷ đô la trong ý định tìm nguồn vốn ODA đã cho thấy rất rõ cách tư duy này. Cũng may mà Quốc hội đã không thông qua. Đấy là chưa nói đến khả năng dự án này có thể lọt vào tay Trung Quốc với nhiều hậu quả khôn lường.

Để biết vì sao các nước tư bản giàu có “tốt” ở mức độ nào khi mang tiền cho các nước chậm phát triển vay, chúng ta lược qua một ít thông tin.
Tổ chức Kinh tế Hợp tác và Phát triển OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development) là Tổ chức quốc tế, thành lập từ năm 1961, hiện có các quốc gia: Australia, Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Chile, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Iceland, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Luxembourg, Mexico, Hà Lan, Na Uy, New Zealand, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Anh và Italy.

OECD gần đây đã mời Estonia, Israel, Nga mở các cuộc đàm phán gia nhập và cũng đã tỏ ý muốn tăng cường sự tham gia của Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Nam Phi. Mỗi quốc gia sẽ trở thành thành viên chính thức khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, bao gồm cả việc phê duyệt của quốc hội nước đó.
Khi được gia nhập tổ chức này, mỗi thành viên phải cam kết hàng năm trích một tỷ lệ phần trăm trên tổng thu nhập để giúp đỡ các nước nghèo (tỷ lệ này thay đổi từng năm, cao nhất thường 1%). Số tiền này được sử dụng để viện trợ với nhiều hình thức, phổ biến là cấp vốn ODA. Chọn đối tác nào để viện trợ, cấp vốn thuộc quyền của thành viên ấy. Cho nên mới lý giải vì sao, chính bản thân nước giàu khi gặp khó khăn về tài chính vẫn hỗ trợ các nước nghèo khác, bởi vì họ phải tuân thủ các cam kết khi đứng trong OECD.

Các nước giàu khi viện trợ ODA đều gắn với những lợi ích và chiến lược như mở rộng thị trường, mở rộng hợp tác có lợi cho họ, đảm bảo mục tiêu về an ninh, quốc phòng hoặc theo đuổi mục tiêu chính trị…

Vì vậy, họ đều có chính sách riêng hướng vào một số lĩnh vực mà họ quan tâm hay họ có lợi thế (những mục tiêu ưu tiên này thay đổi cùng với tình hình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội trong nước, khu vực và trên thế giới).

Về kinh tế, nước tiếp nhận ODA phải chấp nhận dỡ bỏ dần hàng rào thuế quan bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ và bảng thuế xuất nhập khẩu hàng hoá của nước tài trợ. Nước tiếp nhận ODA cũng được yêu cầu từng bước mở cửa thị trường bảo hộ cho những danh mục hàng hoá mới của nước tài trợ; yêu cầu có những ưu đãi đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài như cho phép họ đầu tư vào những lĩnh vực hạn chế, có khả năng sinh lời cao.

Nguồn vốn ODA từ các nước giàu cung cấp cho các nước nghèo cũng thường gắn với việc mua các sản phẩm từ các nước này mà không hoàn toàn phù hợp, thậm chí là không cần thiết đối với các nước nghèo. Ví như các dự án ODA trong lĩnh vực đào tạo, lập dự án và tư vấn kỹ thuật, phần trả cho các chuyên gia nước ngoài thường chiếm đến hơn 90% (bên nước tài trợ ODA thường yêu cầu trả lương cho các chuyên gia, cố vấn dự án của họ quá cao so với chi phí thực tế cần thuê chuyên gia như vậy trên thị trường lao động thế giới).

Nguồn vốn viện trợ ODA còn được gắn với các điều khoản mậu dịch đặc biệt nhập khẩu tối đa các sản phẩm của họ. Cụ thể là nước cấp ODA buộc nước tiếp nhận ODA phải chấp nhận một khoản ODA là hàng hoá, dịch vụ do họ sản xuất.
Nước tiếp nhận ODA tuy có toàn quyền quản lý sử dụng ODA nhưng thông thường, các danh mục dự án ODA cũng phải có sự thoả thuận, đồng ý của nước viện trợ, dù không trực tiếp điều hành dự án nhưng họ có thể tham gia gián tiếp dưới hình thức nhà thầu hoặc hỗ trợ chuyên gia.

Tác động của yếu tố tỷ giá hối đoái có thể làm cho giá trị vốn ODA phải hoàn lại tăng lên.
Ngoài ra, tình trạng thất thoát, lãng phí; xây dựng chiến lược, quy hoạch thu hút và sử dụng vốn ODA vào các lĩnh vực chưa hợp lý; trình độ quản lý thấp, thiếu kinh nghiệm trong quá trình tiếp nhận cũng như xử lý, điều hành dự án… khiến cho hiệu quả và chất lượng các công trình đầu tư bằng nguồn vốn này còn thấp… có thể đẩy nước tiếp nhận ODA vào tình trạng nợ nần. [*]

Một bài học lẽ ra chúng ta cần lây làm gương cho mình là Philippines. Khi trả xong nợ ODA, quốc gia này cảm thấy như lần thứ hai giành được độc lập.
Khoảng tối khác của mặt trái tấm huy chương ODA tại Việt Nam hiện nay là cơ hội vàng cho các nhà lãnh đạo Đảng CS và Nhà nước Việt Nam nhận “lại quả” từ các hợp đồng thực hiện dự án. Cơ chế độc quyền lãnh đạo đã cho phép họ dễ dàng kiếm những khoản tiền khổng lồ bỏ túi riêng.

Vụ án PCI là trường hợp hiếm hoi buộc tập đoàn Ba Đình phải đưa ra công lý vì không còn cách nào khác trước trước áp lực mạnh mẽ từ Nhật Bản (đã từng tuyên bố ngưng cấp tiếp ODA). Cũng như vụ tiền giấy polymer trước áp lực của Australia trong tương lai. Còn biết bao dự án khác với hàng tỷ đô la trót lọt qua sự dấm dúi dưới bàn?

Bạch hóa PCI rốt cuộc cũng chỉ là ván cờ thí tốt nhằm trấn an dư luận trong nước và quốc tế. Kẻ đứng cao hơn phía sau Huỳnh Ngọc Sĩ vẫn nghênh ngang, chảnh chọe. Bởi vì Huỳnh Ngọc Sĩ không bao giờ có thể ăn mảnh một mình trong cái cơ chế maphia hiện nay tại Việt Nam. Phê chuẩn chỉ định thầu PCI không ai khác là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Lẽ nào chúng ta có thể tin rằng, đầu óc ông Thủ tướng có vấn đề đến mức cứ ai trình là nhắm mắt ký bừa, không cần biết hệ quả sẽ ra sao, với tấm lòng hoàn toàn vô tư? Cũng giống như các quyết định huy động vốn phát triển “quả đấm thép” Vinashin?

Bài “Những cuộc ngã giá bạc tỉ” của tờ “Người Lao Động” hôm 14/04/2010, cho chúng ta nhìn nhận rõ nhận định trên và mức độ nghiêm trọng của vụ án. Nếu không có các cơ quan công pháp của Nhật cung cấp tài liệu, chứng cứ, thì cả một lũ sâu mọt đã êm ru che chở nhau nuốt chửng nhiều triệu đô la.

Người lãnh đủ núi nợ và còng lưng làm việc để trả nợ dài dài, tất nhiên không phải là các công ty tư bản nước ngoài “tốt bụng” vào kiếm lợi trên thị trường Việt Nam, cũng không phải các quan chức của Đảng và Nhà nước CS Việt Nam, một tập đoàn thối nát vì tham nhũng, mà là các thế hệ con cháu Việt Nam kế tiếp.


******
Những cuộc ngã giá bạc tỉ
Th. Tâm – Báo Người Lao Động
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có kết luận đề nghị truy tố ông Huỳnh Ngọc Sĩ – nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông – Tây TP.HCM – về hành vi nhận hối lộ 262.000 USD của Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (Nhật Bản). Chi tiết của vụ đưa và nhận hối lộ này diễn ra thế nào?

Con số 262.000 USD trong kết luận điều tra mà cơ quan điều tra đề nghị truy tố ông Sĩ về tội nhận hối lộ thật ra mới chỉ bằng khoảng 10% số tiền mà hai bên đã thỏa thuận. Vẫn còn tới sáu lần đưa, nhận tiền khác đang được tiếp tục làm rõ.
Theo kết luận điều tra, để được trúng thầu hai hợp đồng tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát dự án đại lộ Đông – Tây (TP.HCM), lãnh đạo Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) đã gợi ý chi tiền thù lao và được ông Huỳnh Ngọc Sĩ “OK”. Cò cưa lên xuống nhiều lần, mức thù lao được gút lại là 10% giá trị hợp đồng tư vấn thiết kế và 11% cho hợp đồng tư vấn giám sát.

Thỏa thuận chung chi
Theo những tài liệu phía Nhật Bản cung cấp, khi biết dự án đại lộ Đông – Tây được Nhật tài trợ vốn ODA, PCI Nhật Bản đã xác định: bằng mọi cách phải đưa hối lộ cho lãnh đạo Ban quản lý dự án đại lộ Đông-Tây (Ban QLDA) để thắng thầu.
Khi chuẩn bị tham gia đấu thầu gói tư vấn thiết kế dự án (có năm công ty được mời thầu), ban giám đốc dự án của PCI đã bàn bạc tìm cách tiếp cận ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên phó giám đốc Sở Giao thông công chính kiêm giám đốc Ban QLDA.

Theo lời khai của ông Tsuneo Sakano – trưởng văn phòng đại diện PCI tại Việt Nam, ông là người được giao nhiệm vụ tiếp cận, thỏa thuận với ông Sĩ. Tháng 2/2001, Sakano đã gặp ông Huỳnh Ngọc Sĩ tại nhà hàng của khách sạn Norfolk thông qua ông Kondo, giám đốc dự án môi trường nước. Tại cuộc gặp, Sakano đặt vấn đề với ông Sĩ: hãy để PCI thắng thầu, PCI sẽ có thù lao.

Do lúc đó có mặt cả ông Nguyễn Thanh Hoàng, tổng giám đốc Công ty Norfolk, nên ông Sĩ không trả lời. Nhưng khi Sakano cùng Kondo lên xe về thì ông Sĩ gọi điện thoại cho Kondo nói: “Chúng ta sẽ gặp nơi khác”. Theo lời hẹn, sau đó ba người đã gặp gỡ lại tại quán karaoke của một khách sạn.

Theo lời khai của Sakano, ông này hỏi thẳng ông Sĩ: “Chúng tôi muốn trúng thầu hợp đồng tư vấn thiết kế đại lộ Đông – Tây và mong ông tạo điều kiện… Chúng tôi phải đưa ông bao nhiêu tiền?”. Ông Sĩ trả lời: “20% giá trị hợp đồng”. Sakano nói cao quá và ông Sĩ đồng ý giảm xuống 15%. Sau khi về báo cáo lại, phía PCI cho rằng quá cao nên vài ngày sau Sakano đến phòng làm việc của ông Sĩ tại Ban QLDA thương lượng tiếp, ông Sĩ đồng ý giảm xuống 10%.

Lời khai của Sakano cũng phù hợp với lời khai của ông Sakashita Haruo – giám đốc dự án đại lộ Đông – Tây của PCI. Sau khi được Sakano báo cáo việc đã thỏa thuận được với ông Sĩ, tháng 3/2001 Sakashita gặp ông Sĩ tại một khách sạn. Tại lần gặp này, Sakashita nói với ông Sĩ: “10%, cao quá, phải giảm xuống” nhưng ông Sĩ trả lời: “Không, không, đúng 10%”. Thấy không thể thỏa thuận được nữa, Sakashita nói: “Đồng ý, 10%”, ông Sĩ đáp: “OK, ok”.

Theo tính toán của phía PCI, trị giá hợp đồng khoảng 9 triệu USD nên khoản tiền PCI phải đưa cho ông Sĩ là 900.000USD.
Vẫn theo lời khai của các ông Sakano và Sakashita, đến tháng 9/2001 hai ông lại một lần nữa gặp ông Sĩ tại khách sạn New World (nơi Sakano thuê phòng ở) và tiếp tục đặt vấn đề muốn ký hợp đồng tư vấn giám sát dự án (theo phê duyệt dự án của Chính phủ, gói thầu này phải tổ chức đấu thầu quốc tế).

Khi hỏi giá bao nhiêu, ông Sĩ trả lời: “Không đối thủ cạnh tranh…, quá dễ dàng để nhận hợp đồng này, 15%”. Sakashita nói quá cao, xin được hạ xuống thì Huỳnh Ngọc Sĩ trả lời: “12%”. Sau đó, trong hai lần làm việc vào năm 2002 và đầu tháng 1/2003, Sakashita đến phòng ông Sĩ và tiếp tục thương lượng: “Chúng tôi phải trả thuế, hãy giảm xuống”, ông Sĩ vẫn nói: “Không, đúng 12%”. Đến giữa tháng 1/2003, hai ông Sakashita và Sakano cùng đến phòng làm việc của Huỳnh Ngọc Sĩ lần nữa và nói: “Ông nói 12%, tôi nói 10%, vậy trung bình là 11%. Mong ông hãy giảm xuống”. Lần này ông Sĩ “OK”.

Đại diện PCI tính toán trị giá hợp đồng tư vấn giám sát hơn 15,4 triệu USD nên phần tiền đưa cho ông Sĩ tương đương 1,7 triệu USD.
Đại diện PCI Nhật Bản trực tiếp giao tiền


Theo tài liệu của Nhật Bản cung cấp, đại diện PCI đã tổng cộng bảy lần đưa tiền hối lộ cho ông Sĩ. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã xác minh và kết luận có đủ chứng cứ xác định trong lần đưa tiền vào cuối tháng 5/2003, Huỳnh Ngọc Sĩ nhận hối lộ 262.000USD.

Sakano khai cuối tháng 4/2003, nhận được cuộc điện thoại của ông Sĩ, Sakano hiểu ngay là ông Sĩ muốn đòi tiền nên đã bay từ Hà Nội vào gặp ông Sĩ tại phòng làm việc tại Ban QLDA. Tại đây, ông Sĩ yêu cầu phải thanh toán cả phần chênh lệch tỉ giá, cụ thể số tiền là 262.000 USD. Sakano đã báo lại với PCI và lần này phía PCI đề nghị để cho ông Takasu Kunio (thành viên HĐQT, nguyên giám đốc điều hành PCI, từ Nhật Bản bay qua) đưa tiền. Ông Sakano gọi điện hẹn ông Sĩ sẽ giao tiền vào ngày 28/05/2003 tại Ban QLDA.

Cơ quan điều tra đã xác định được nhiều tài liệu có tính thuyết phục về lần giao tiền này. Do quỹ của Văn phòng PCI TP.HCM không đủ nên PCI Nhật Bản phải chuyển tiền sang tài khoản của PCI TP.HCM tại chi nhánh Ngân hàng Tokyo Mitsubishi TP.HCM. Sau khi số tiền 140.000 USD được chuyển vào tài khoản, ngày 28/05, ba người gồm Sakano, Sakashita và Takasu (bay từ Nhật sang trước đó một ngày) đến rút tiền chuẩn bị giao cho ông Sĩ.

Về lần đưa tiền này, ông Sakano khai cùng Takasu đến Ban QLDA. Trên đường đi, Sakano gọi điện thông báo với ông Sĩ là đang đến. Khi đến phòng ông Sĩ, Sakano gõ cửa. Ông Sĩ mở cửa, thấy có hai người nhưng chỉ cho Sakano vào, rồi đóng cửa. Ông Sakano giải thích rằng ông Takasu là bạn nên ông Sĩ lại mở cửa cho Takasu vào. Trong phòng, Takasu là người trực tiếp đưa gói tiền cho ông Sĩ.
Ông Takasu cũng có lời khai trùng khớp với Sakano về thời gian, địa điểm, hoàn cảnh rút tiền, giao tiền, việc ông này phải cầm túi tiền đứng đợi ở cửa do Huỳnh Ngọc Sĩ không cho vào vì là người lạ mặt. Cả hai ông Takasu và Sakano đều khai sau khi giao tiền đã nói rõ mục đích lần giao tiền này là để cho phía Việt Nam thanh toán tiền hợp đồng, ký phụ lục hợp đồng sớm cho PCI.

Kết quả điều tra, xác minh đã có đủ các giấy tờ chứng minh việc chuyển tiền, rút tiền từ ngân hàng, các phiếu đổi tiền USD của đại diện PCI. Cơ quan điều tra cũng tiến hành cho ông Takasu nhận dạng Huỳnh Ngọc Sĩ qua bản ảnh và vẽ lại sơ đồ mô phỏng phòng làm việc của ông Sĩ tại Ban QLDA. Các kết quả đều phù hợp.
Những ưu ái bất thường cho PCI

Sau khi đã đạt được thỏa thuận với Huỳnh Ngọc Sĩ về việc chi 10% trị giá hợp đồng tư vấn thiết kế, đại diện của PCI đề nghị ông Sĩ cung cấp bảng tiêu chuẩn đánh giá chi tiết hồ sơ mời thầu. Ông Sĩ nói không thể giao bản bằng tiếng Việt được và nhờ người đọc cho Sakano nghe bằng tiếng Anh để chép lại. Nhờ nắm rõ các tiêu chuẩn này, PCI nhanh chóng hoàn tất hồ sơ đấu thầu theo đúng tiêu chuẩn và trúng thầu.
Kết quả điều tra còn chứng minh được khi ký hợp đồng tư vấn thiết kế với PCI, ông Huỳnh Ngọc Sĩ tự ý ưu ái, nâng mức lương của chuyên gia nước ngoài lên, hạ thấp lương của chuyên gia trong nước so với dự toán đã được duyệt. Kết quả, khoản tiền lương chuyên gia nước ngoài phải trả tăng lên 6,9 tỉ đồng so với dự toán, trong khi lương chuyên gia trong nước bị cắt hạ hơn 2,4 triệu USD.
Đến khi triển khai gói thầu hợp đồng tư vấn giám sát, thay vì phải thực hiện đấu thầu quốc tế như Chính phủ phê duyệt thì ngày 18/03/2002, Huỳnh Ngọc Sĩ ký công văn gửi UBND TP.HCM đề nghị trình Thủ tướng Chính phủ chỉ định thầu PCI. Đề nghị này là làm theo yêu cầu của PCI. Sau nhiều cuộc họp của các ban ngành, kết quả PCI một lần nữa trúng gói thầu thứ hai.

Không những thế, trong quá trình thực hiện hợp đồng tư vấn thiết kế, Huỳnh Ngọc Sĩ đã ký duyệt tạm ứng tiền hợp đồng cho PCI khi công ty tư vấn chưa làm các thủ tục nộp bảo lãnh ngân hàng, thanh toán công việc tư vấn của PCI dù khối lượng công việc hoàn thành chưa được nghiệm thu. Thêm vào đó, khi các sở ngành chưa thẩm định, chưa phê duyệt nhưng Huỳnh Ngọc Sĩ tiếp tục ký năm phụ lục hợp đồng dịch vụ bổ sung, ký biên bản ghi nhớ về việc cho PCI thiết kế lại khu Thủ Thiêm. Vấn đề này, khi làm việc với cơ quan điều tra, Huỳnh Ngọc Sĩ đã thừa nhận có sai phạm.

Căn cứ các chứng cứ trên đây, dù ông Sĩ luôn phủ nhận việc thỏa thuận, nhận tiền nhưng cơ quan điều tra khẳng định có đủ căn cứ đề nghị truy tố ông Huỳnh Ngọc Sĩ nhận hối lộ khoản tiền 262.000USD từ các quan chức PCI để làm theo những yêu cầu có lợi cho PCI.

Tiếp tục điều tra những lần đưa hối lộ khác
Liên quan vụ án này, các quan chức PCI có hành vi tổ chức, bàn bạc đưa hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ đã bị phía Nhật Bản xử lý tội vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài vụ đưa 262.000 USD, theo lời khai của nhóm quan chức PCI, còn có sáu lần khác đưa tiền hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ. Tuy nhiên, do nhiều chứng cứ mà Bộ Công an đã ủy thác cho Nhật Bản điều tra nhưng phía Nhật Bản chưa cung cấp tiếp, trong khi thời hạn điều tra vụ án đã hết nên cơ quan điều tra đã quyết định tách hành vi nhận hối lộ sáu lần khác của ông Huỳnh Ngọc Sĩ để điều tra, xử lý sau.

Diễn biến vụ PCI tại Nhật
* Tháng 6/2008: một cựu lãnh đạo của Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản khai đã hối lộ một quan chức Việt Nam 200.000 USD vào năm 2006. Liền đó, Văn phòng công tố Tokyo đã nhập cuộc điều tra.

* Ngày 4/08/2008: Văn phòng công tố Tokyo bắt giữ bốn cựu lãnh đạo PCI gồm: cựu chủ tịch Masayoshi Taga (62 tuổi), cựu giám đốc điều hành Kunio Takasu (65 tuổi), cựu thành viên HĐQT Haruo Sakashita (62 tuổi) và cựu giám đốc văn phòng đại diện PCI tại Hà Nội Tsuneo Sakano (58 tuổi).

* Ngày 11/11/2008: trong phiên xử đầu tiên tại Tòa án quận Tokyo, cả bốn bị cáo đều thừa nhận đã đưa hối lộ cho một quan chức cấp cao tại TP.HCM. Quan chức này được nêu đích danh là ông Huỳnh Ngọc Sĩ.

Theo luận tội của các công tố viên, từ năm 2002-2006, PCI đã hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ tổng cộng 2,43 triệu USD (khoảng 280 triệu yen theo tỉ giá vào thời điểm hối lộ), tương đương 10% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, các công tố viên chỉ đề nghị xử lý hình sự hành vi đưa hối lộ với số tiền 600.000 USD của năm 2003 và 220.000 USD của năm 2006 (tổng cộng là 820.000 USD).

Ngày 29/01/2009: Tòa án quận Tokyo kết luận các cựu lãnh đạo của PCI đã phạm tội đưa hối lộ cho một quan chức của Việt Nam để thắng thầu. Các bị cáo bị kết tội đã vi phạm luật chống cạnh tranh không công bằng. Tòa tuyên án Haruo Sakashita 24 tháng tù (án treo), Kunio Takasu 20 tháng tù (án treo), Tsuneo Sakano 18 tháng tù (án treo). Công ty PCI bị phạt 70 triệu yen. Riêng bị cáo Masayoshi Taga bị xử riêng vì có liên quan đến một vụ án khác.


Nguồn :ledienduc.wordpress.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét