Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

17 thg 8, 2010

Thư ngỏ gửi Trần Mạnh Hảo của nhạc sĩ Tô Hải


Thư ngỏ gửi Trần Mạnh Hảo
Đồng mến gửi các cây viết đồng tâm, đồng trí, đồng tài, nhưng không đồng gan cóc tía như Hảo


Từ hôm Hảo đi đại hội (còng số) 8 về mà không bị còng tay tại chỗ, tớ cứ mong được đón tiếp Hảo để nghe Live mọi chuyện lí thú xảy ra tại cái đại hội mà hôm Hảo lên đường, tớ không biết để khuyên nhủ Hảo: “gửi bài tham luận đi khắp thế giới thế là quá đủ rồi, việc quái gì phải đi ra Hà Nội nữa”! Nhỡ ra…, do bản tham luận (mang nhiều tính chất chính trị hơn văn học) của Hảo sẽ đưa tới một hậu quả xấu nhất cho Hảo. Tớ vội gọi điện ra ngoài ấy để góp ý cho Hảo:

1) Chắc chắn là bản tham luận, do đã được phổ biến quá sớm, nhất là trên các trang mạng của các “lực lượng thù địch” thì không đời nào họ cho đọc rồi. Hảo cũng đồng ý với tớ là chuyện này sẽ xảy ra nhưng… không sao.

2) Hết sức bình tĩnh, chớ để bị khiêu khích, bị kích động mà người ta có thể lấy cớ khác để lên án, xử tội Hảo trước khi bị bắt ra toà. Hảo cũng trả lời: “Ông anh cứ yên chí!”.

Vậy mà lại xảy ra quá nhiều vấn đề tại chỗ. Nào Hảo bị… cắt micro, nào vạch trần tài văn- hoạ- nhạc kịch-báo của trung tướng Hữu Ước đường đường trên ghế chủ tịch đoàn để đến nỗi ông ta xếp Hảo vào loại… Lý Tống! Mặc dù Hảo chỉ “xịt hơi cay” bằng lời chứ không bằng một ống spray cụ thể như Lý Tống xịt vào mặt Mr Đàm( bị “bom-bác-đê” thành lãnh tụ thanh niên cộng sản?!).

Sau đó, trở về Sài Gòn an toàn, không bị xảy ra tai nạn xe cộ hay uống phải chai nước giải khát nào đó mà lăn đùng ra chết tại chỗ (hay về nhà vài tháng mới chết), Hảo lại còn lên mạng tiếp tục viết những bài “Goodbye (Farewell thì đúng hơn)

Hội nhà văn bịp- bịt… mồm”. Lại thêm một bài chẳng ra thơ ra thẹo, chẳng ra kí ra kẹo, chẳng ra bình luận bình lẹo oánh thẳng vào ông trung tướng chủ tịch đoàn Hữu Ước, đồng thời trả lời phỏng vấn một loạt đài “thù địch”. Thế là, tớ bắt đầu hiểu ra vì sao về Sài Gòn cả tuần rồi Hảo đã chẳng dám bước chân ra khỏi cửa. Tớ không tin là cả nhà Hảo đang “khóc lóc thảm thiết như ri”, “đang lo vãi đái” như Hảo đã viết và tung lên trên mạng. Nhưng tớ tin rằng đi ra khỏi nhà lúc này là không có lợi cho tính mạng của Hảo chút nào đâu.

Thôi thì tớ đành mượn bức thư ngỏ này tâm sự đôi điều với Hảo và với những ai cũng nung nấu trong lòng nỗi uất ức vì vừa viết văn, vừa lo phải đi tù thậm chí đi tù không phải vì chuyện viết văn mà là chuyện “chống phá cách mạng”, “nói xấu lãnh đạo” (dù lãnh đạo nào đó thật cực cực xấu) thậm chí vì những tội vu vơ như buôn lậu, trốn thuế, gây thương tích cho người khác, v.v, v.v

Trước tiên, tớ phải nói với Hảo rằng: Cậu xứng danh là bậc đàn anh của tớ mặc dầu tớ hơn cậu 20 tuổi. Vì ở cái tuổi của cậu, tớ vẫn còn mang nặng nỗi “Sợ” của cụ Nguyễn truyền cho mỗi khi nghĩ đến những vụ án “Nhân văn Giai phẩm”, “xét lại xét đi”, những vụ “đi tù không án” mút mùa chỉ vì một bài báo như Phùng Cung với “Con voi già của chúa Trịnh“, hay Tuân Nguyễn với một cuốn sổ tay ghi chép (những gì đến giờ vẫn không ai biết), bị ăn cắp. Tớ lại thương cho các ông Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại,… bị mang đủ tội danh đáng lên máy chém của Toà án và đáng buồn nôn hơn là của ngay các “cây bút cơ hội”, bước lên xác người để tiến lên “đài vinh quang” mà ngày nay nhờ Internet, lớp trẻ và hậu thế ngàn đời sẽ còn đọc được qua kho lưu trữ của cả ngàn trang web khắp thế giới mà rùng mình,buồn nôn cho một thời “Chân,Thiện Mỹ” bị ám sát!

Tớ cũng nghĩ lại: quá trình đấu tranh cho 4 chữ “tự do sáng tác” bao giờ cũng xuất phát từ Hội của các cậu, chứ còn mấy cái hội như Hội xướng ca (có loài) của tớ, hay các hội kệch sĩ, nhiếp sĩ, điện ảnh sĩ… thì chẳng bao giờ có được một tiếng nói phản biện bất cứ cái gì, bất cứ ai, bất cứ thời điểm nào!
Ở Hội tớ cũng có vài anh tham gia Nhân văn Giai phẩm. Nhưng chẳng ai “bị” gì như mấy bố nhà văn, thậm chí sau này “cải tạo khéo” còn được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước, còn được phong giáo nọ, sư kia. Trái lại, Hội các cậu luôn là cái Hội “đứng mũi chịu sào”, là một cái Hội “khó bảo nhất”.

Từ bài “Hiện thực phải đạo” của Hoàng Ngọc Hiến gây sốc, cho đến những bản tham luận đại hội VII của các cậu như “Nỗi niềm tác phẩm đỉnh cao” của Hoàng Quốc Hải hoặc “Về mối quan hệ giữa Tự Đức và Nguyễn Du”, hay là “Vấn đề muôn thuở của tự do sáng tác” của Trần Mạnh Hảo tại đại hội lần thứ 7, cho đến các bài viết hoặc tham luận không được đọc mà chỉ công bố trên mạng gần đây của hàng loạt các nhà văn trẻ (với tớ), quả thực các cậu không phải chỉ hơn tớ một cái đầu mà hơn tớ cũng như khối anh văn nghệ sĩ khác ở cả trái tim và… buồng gan nữa. Đặc biệt cái Hội nhà văn, nếu tớ không nhầm, trong số 922 hội viên có tới hơn 600 đảng viên thì quả là chuyện của đất nước này xưa nay hiếm.Té ra càng phức tạp càng cần có nhiều đảng viên hay sao?

Tớ thật ngạc nhiên khi các “website và blog có uy tín” của các nhà văn hàng ngày tung ra mọi điều mà hơn 700 tờ báo lề phải chưa bao giờ được phép nói, hoặc mới cầm bản thảo trong tay đã run như cầy sấy!
Gần đây,tớ đặc biệt chú ý tới bài viết của Lê Hoài Nguyên tức Thái Kế Toại, đại tá công an phụ trách A25 với đầu đề rất sốc: “Nhân Văn- Giai Phẩm, một trào lưu tư tưởng, một cuộc cách mạng văn học không thành“, trong đó ông đề cao cái bọn bị coi là “Phản đảng, phản tổ quốc” và phủ nhận mọi thứ “vu oan giá hoạ” cho những người này khi họ chỉ đòi hỏi có một điều: được tự do tư tưởng, tự do sáng tác.
Tớ cũng rất thích thú với những bài bình luận, những “ngâm khúc” của Phạm Viết Đào, Nguyễn Xuân Diện, Trương Duy Nhất… và đặc biệt phục lăn những mẩu “hồi kí vụn” của Nguyễn Quang Lập. Chỉ với vài trang kể chuyện “Bà bán nước cửa Viện văn học“, Lập đã kể lại một cách mỉa mai, sâu độc quá trình hình thành cái Viện mà “chỉ có bà bán nước và một viện sỹ là chưa được làm tiến sĩ”! Riêng chuyện “Xóm gái hoang“, Lập đã miêu tả một cách hấp dẫn và “ê-rô-tích” cái hiện thực đau buồn của một thời mà số phận con người ở nông thôn đều nằm ở trong tay những kẻ ngu dốt, nhân danh nãnh đạo, nhân danh Đảng, đã giết người dân quê cả về thể xác lẫn tinh thần như thế nào. Lập đã bóc trần cái nghề của chúng tớ: Làm… nhạc sĩ! Qua nhân vật “nhạc sĩ Tinh Tuý“, Lập đã vạch trần cái “nghề dễ làm nhất và dễ nổi danh nhất trong nghề văn nghệ”! Đó là làm… nhạc sỹ!

Nó phản ảnh thực trạng của rất, rất nhiều nhạc sĩ mà “một nốt nhạc bẻ làm đôi” không biết! cũng như văn sĩ mù chữ “nói cho người khác chấp bút”, nhạc sỹ nước ta khối anh, chị đố ghi nổi một bài chính tả âm nhạc kể cả bài của mình ề a ra.Tớ bảo đảm là có thật 105 phần trăm! Nói sai chết liền!


Tớ cũng rất cảm phục tất cả những trang web, blog đã công bố “hộ” những bài viết, những tuyên bố của các nhà văn, nhà báo không có điều kiện (thiếu hiểu biết về computer hoặc hiểu biết quá nhiều về computer nên bị… tịch thu,bị niêm phong) như các trang Web Trần Nhương, blog Nguyễn Trọng Tạo đã không sợ “dính líu”, mà đưa lên mạng những bài viết đầy dũng cảm như bài của Bùi Minh Quốc tuyên bố về “Hậu Đại Hôi Nhà Văn 8” đằng đằng nghĩa khí… đặc biệt là Tuyên bố ly khai và thành lập những “tổ chức nhà văn mới” không lệ thuộc vào tiền của Đảng-Nhà Nước, được cả nhiều nhà văn -đảng viên ký tên hưởng ứng….
Điều tớ càng ngạc nhiên là chính nhờ các trang web, blog này mà các ý kiến của Trần Mạnh Hảo, Bùi Minh Quốc, Hà Sỹ Phu… được cả thế giới biết sớm nghĩa là họ làm tổng biên tập những tờ báo, những Nhà Xuất Bản tư nhân không cần lề phải, lề trái gì, cứ thênh thang giữa đường mà đi! “Cóc sợ chi mô” (văn phong N.Q.Lập).

Tóm lại, so với thời U60, U70 của tớ thì Hảo cùng các bạn đã làm được nhiều, quá nhiều cho một nền văn nghệ đích thực! Không đến nỗi sau này, con cháu đọc bất cứ cái gì của các cậu cũng phải thốt lên 2 tiếng “Nhạt!”, “Hèn!” hoặc “Nói láo!”

Tuy nhiên, là một người đã trên nửa thế kỉ mang tiếng là “Kĩ sư tâm hồn”, nhưng cuối đời kiểm điểm lại, tớ thấy đúng như Nguyễn Khải nói “chỉ còn lại là một mớ táp nham chẳng có một xu giá trị nghệ thuật” nay thời thế cho phép, muốn làm một “cái gì đó” thì sức tàn, lực kiệt. Chỉ trông chờ vào bọn cậu hãy nghe dại tớ: Hãy dán trước bàn làm việc của mình khẩu hiệu: “Chỉ có sự thật mới cứu rỗi được văn chương“. Ở dưới dán thêm một khẩu hiệu nữa “Đảng chấp nhận mọi tìm tòi, mọi khuynh hướng“, “trích lời tuyên bố của ông Trương Tấn Sang, uỷ viên bộ chính trị, bí thư thường trực ban bí thư phát biểu tại đại hội nhà văn lần VIII”, rồi… ngồi xuống hoặc dùng chữ của Lê Đạt ,”phục xuống mà sáng tác!”. Hãy viết đi!

Hãy nuốt mọi uất ức mà làm thơ, viết truyện ngắn, truyện dài… thoải mái sáng tạo, tìm tòi. Thực tế đang ngồn ngộn trước mắt đang xốn xang trong lòng… Chẳng phải đi đâu xa. Quá khứ, lịch sử đang có bao lỗ hổng, lỗ đen cần phải có những tác phẩm như kiểu “Thời của thánh thần“, “Dòng sông mía” làm sống lại, lấp đầy lại như nó đã có… Nhất là từ nay, với sự khuyến khích công khai của ông T.T.S, (lạy trời ông được như một nửa Gorbachev), chắc chắn các ngòi bút như Hảo, như Bùi Minh Quốc, như Nguyễn Duy và nhiều người khác sẽ được cởi trói lần thứ hai, miễn là ông Sang chẳng giống ông Linh,”Nói hay nhưng để… phủi tay về vườn”!

Hãy làm một Tạ Văn Sỹ, người “thi sĩ -xe ôm”, hàng ngày vẫn có thể làm những bài thơ đầy cảm xúc mà vẫn chạy xe ôm nuôi bốn đứa con và một vợ không vì sợ đói mà bẻ cong ngòi bút (xem blog Nguyễn Trọng Tạo).

Thôi! STOP cái miệng và và START cái tay, cái đầu và con tim! Viết và viết thật mạnh, thật sắc, thật… THẬT! Ai cũng nghĩ và viết được như Hảo kêu gào, van xin, lẽ nào tác phẩm “xứng với tầm thời đại” sẽ chẳng ùn ùn xuất hiện và giải Nobel về văn chương lẽ nào lại không tới với các cậu. Hơn thế nữa, các cậu sẽ làm gương cho “các bậc đàn anh còn sót lại trong rừng dối”, hãy mau mau sám hối, ít nhất là kể lại đời mình đã phải viết theo ý người khác như thế nào, đã phạm tội, đã “mặt tôi nửa xanh nửa đỏ”, đã “dây rợ buộc mình”, đã “dối trá, lừa lọc, đã ác động”, “đã ú ớ” trước “người thương binh còn sông sót sau cái vụ 3000 chiến binh xuống núi còn lại dăm ba người. Người chiến binh toàn đọc những câu thơ hô xung phong, giờ đây, “ngực đầy huân chương, ngồi bán nước không nuôi nổi đàn con mình…” (trích Nguyễn đình Thi và Chế lan Viên). Được thế, dù chỉ là một bài thơ, một mẩu ký ức nhỏ….Văn Học Việt Nam sẽ, chẳng phải mời hội nghị, hội thảo cũng khối nền văn học khắp thế giới tranh nhau xin dịch ra tiếng Mỹ, tiếng Pháp, tiếng Tây, và có khi cả đến tiếng Tầu nữa cũng nên!…

TB: Chúc Hảo mạnh khoẻ, tỉnh táo,viết bạo, viết nhiều. Không cần đến thăm tớ như đã hứa.Tớ không giận đâu!

Tô Hải
Nguồn
ledienduc.wordpress.com

2 nhận xét: