Nếu như phong trào "Nhà nhà ốc bươu vàng, người người ốc bươu vàng" ở vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước có thể coi là bệnh ấu trĩ của cả một đất nước đói khát, đóng cửa thì việc các ngành chức năng, hoặc cho nhập rùa tai đỏ, hoặc buông lỏng hoàn toàn việc nhập khẩu "sinh vật lạ" hôm nay là biểu hiện của việc quá quan liêu, hoặc quá dốt nát?
Một con Ốc bươu vàng có thể đẻ đến 1200 trứng mỗi tháng. Con ốc con, nở sau 15 ngày, sẽ tiếp tục đẻ trứng khi đủ 60 ngày tuổi. Tính ra một vòng đời 3 năm, một con ốc bươu vàng có thể đẻ tới 45 ngàn trứng với tỷ lệ nở 80%, chưa kể phép tính nhân từ con cháu chắt chút chít của nó.
Một ví dụ dễ hiểu là nếu ta ném một con ốc xuống một bờ mương thì chỉ vài năm sau, những cánh đồng quanh đó sẽ lúc nhúc toàn là ốc. Ốc bươu vàng là loài ăn tạp. Món ưa thích nhất của nó chính là những thân mạ non, những thân lúa mới cấy
Cách đây chưa lâu, Trung Quốc rộ chuyện 87 người viêm màng não sau khi ăn món "Thục quốc diễn nghĩa" được chế biến từ những con "ốc Phúc Thọ"- tên gọi mỹ miều của ốc bươu vàng.
Như vậy là sau khi tàn sát đồng ruộng, tiêu diệt mùa màng ở hàng loạt các tỉnh miền Nam Trung Quốc, ốc bươu vàng tiếp tục gây gại cho những cái "khẩu phàm". Một nghiên cứu cho thấy mỗi con ốc có chứa từ 3000 đến 6000 ký sinh trùng được gọi là “sán Quảng Châu”, có thể gây hại cho hệ thần kinh của người, dẫn đến các triệu chứng đau đầu, liệt cơ mặt, viêm màng não và sốt.
Nhưng thôi. Không bàn chuyện ăn ốc bươu vàng là phúc thọ, hay bất phúc đoản thọ, cũng không nói đến chuyện bên Tàu nữa. Ở Việt Nam, ngay Thủ đô, vụ đông xuân 2009, chẳng phải là nông dân của hàng loạt các huyện đã khốn khổ vì nạn "ốc tặc" đó sao.
Dày đặc là ốc. Ốc mẹ lúc nhúc đầy tràn các ruộng lúa. Ốc con bám đen những gốc lúa mới cấy. Trứng ốc, từng chùm từng chùm, lủng lẳng như những bắp ngô, bám đỏ khắp các bờ ruộng. Những khu ruộng trũng, những điểm tiếp nước giữa ruộng đồng và kênh rạch, ốc tụ thành những chảo ốc khổng lồ. Những thửa ruôngj vừa cấy hôm trước, qua một đêm đã bị cắn nát.
Toàn thành phố có hơn 4.000 ha bị ốc phá. Nhiều địa phương bị phá đến 1/10 diện tích. Nông dân ở Thọ Am bấy giờ đã dùng vịt để trị ốc. Nhưng ốc nhiều quá, đến mức loại phàm ăn đã thành tích (tin vịt) như vịt mà ăn cũng không xuể, ăn đến mức thấy ốc là sợ. Thế là cả làng, cả xã, cả huyện "ra quân" tiêu diệt ốc đợt 1, rồi đợt 2, tiêu diệt từ vụ hè thu sang vụ đông xuân, từ năm này qua năm khác. Đã gần ba chục năm kể từ khi con ốc bươu vàng đầu tiên được nhập về Việt Nam để "phát triển kinh tế", dịch ốc bươu vàng không mùa vụ nào, không năm nào mà không gây họa.
Thiệt hại do ốc bươu vàng không thể thống kê được. Bởi chỉ riêng kinh phí nhà nước hỗ trợ cho khâu "nhặt trứng ốc", 20 ngàn vnd/kg cũng đã tốn bao công bao của. Và thế là một sự thiển cận, một chút ấu trĩ, một tính toán sai lầm đã gây hại suốt gần ba chục năm qua. Tất nhiên, người gánh hậu quả là nông dân, chứ không phải người hoạch định chính sách, cũng không phải những kẻ khẩu phàm.
Nhưng chưa hề có bài học nào được rút ra sau đại dịch ốc bươu vàng kéo dài suốt từ đó đến nay khi lại chính Cục Nuôi trồng thủy sản Bộ Nông nghiệp cấp phép cho nhập 24.000 con rùa tai đỏ về Việt Nam với mục đích là "làm thực phẩm".
Đây là loại động vật ăn tạp, hung dữ khi chúng nuốt sống tất cả các loài cá, động vật thủy sinh bé hơn chúng. Rùa tai đỏ có thể mang vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn đối với người và là động vật đã được liệt trong danh sách 206 loài xâm hại toàn cầu và nằm trong 100 loại nguy hiểm nhất thế giới.
Một nhà khoa học, tất nhiên không thuộc Bộ Nông nghiệp, đánh giá đây là một hành động thể hiện sự vô trách nhiệm đối với môi trường sinh thái của đất nước.
Còn chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, TS. Nguyễn Đình Hoè thì đánh giá: “Rùa tai đỏ gây hại cả về mặt thuỷ sản và trồng trọt bởi nó ăn cả động vật cả thực vật nước.
Mức độ tàn phá của nó thì kinh khủng hơn ốc bươu vàng vì nó to hơn khoẻ hơn sống lâu hơn và ăn tạp hơn”.
Chuyện rùa chưa xong thì chỉ vừa cách đây 2 hôm, lại chuyện nhập khẩu 450 con tôm hùm đỏ (còn gọi là hùm lửa). Đây là loài tôm hầu như không có thịt, chỉ có năng khiếu đào khoét, trốn lẩn trong lòng các công trình thủy lợi.
Đây là loài tôm hung dữ, từ cái màu đỏ tía dữ tợn đến đôi càng khủng như càng cua. Chúng là loài phàm ăn, thích "đấu tranh sinh tồn". Tóm lại với việc nhập con tôm ngoại hung bạo thế này chẳng khác chúng ta cấp visa cho sát thủ hợp pháp "nhập đồng" để tiêu diệt "đồ nội".
Trong vụ "tôm sát thủ", Bộ Nông nghiệp đã thở phào khi chĩnh chện giải thích họ không biết gì, không cho phép nhập loại tôm này vào Việt Nam. Nhưng còn vụ rùa tai đỏ, và trước đó là vụ chuột?
Trong vụ "tôm sát thủ", Bộ Nông nghiệp đã thở phào khi chĩnh chện giải thích họ không biết gì, không cho phép nhập loại tôm này vào Việt Nam. Nhưng còn vụ rùa tai đỏ, và trước đó là vụ chuột?
Phải khẳng định Bộ NN chỉ biết về vụ việc, và có thể cả sự nguy hại của rùa tai đỏ, qua sự phát hiện của báo chí. Họ cuống cuồng yêu cầu kiểm soát, bắt phải tái xuất. Thế rồi, khi báo chí đăng tải những phát hiện, rằng: loài này đã được nhập về cách đây cả chục năm, rằng ở Vĩnh Long, rùa đã thoát ra môi trường, thì một quan chức Bộ NN lên tiếng đe dọa: Tăng cường xử phạt hành chính, chỉ cần người dân thả 1 loài xâm hại đến môi trường ra bên ngoài sẽ bị phạt 20 triệu đồng theo Thông tư 53.
Không nói đến việc xử lý Ốc bươu vàng nữa, vì đó là một sai lầm tầm cỡ quốc gia. Tuy nhiên, trình tự xử lý "sinh vật lạ" của cơ quan chức năng có thể nói là chậm như rùa mà ví dụ điển hình là vụ chuột hải ly.
Tháng 5-2001, Công ty Nấm Thiên Tân nhập những con chuột hải ly đầu tiên từ Trung Quốc về Việt Nam. Đến tháng 9-2002, Thiên Tân mới chính thức phải tiêu hủy.
Nguyên nhân đây là loài thú nhập khẩu mang xoắn khuẩn có thể truyền bệnh sốt vàng da Leptospirosis cho người. Đến thời điểm "xử lý" số hải ly đã tăng lên tới hơn 1.000 con và được di chuyển đến khắp các tỉnh Hà Nội, Hà Tây (cũ), Đắk Lắk, Hòa Bình, Thái Nguyên và Nghệ An. Thời gian "họp", "nghiên cứu" mất đúng 1 năm 4 tháng. (Vụ rùa tai đỏ đến giờ cũng chưa biết khi nào mới chấm dứt).
Tất cả những sinh vật sát thủ được nhập về Việt Nam đều có chung một đặc điểm sinh sản cực nhanh, tàn phá với tốc độ cực lớn. Và, ngay việc chúng được nhập về Việt Nam cũng được thực hiện với tốc độ "chớp nhoáng". Chỉ có cách xử lý của cơ quan chức năng là chậm như rùa. Sự chậm trễ trong việc xử lý là bởi họ quan liêu, hay họ dốt vì bị đặt nhầm chỗ, hay, như dân gian vẫn nói: "Không để thằng dưới "chơi khó" thì thằng trên có chó (gì) mà ăn"?!
Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=3422
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét