Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

31 thg 8, 2010

“Cố đấm ăn xôi…”?

Trong số trên 20 ý kiến bạn đọc phản hồi nhanh nhất về bài báo “Khởi động lại dự án đường sắt cao tốc” (Pháp Luật TP.HCM 30-8), tuyệt đại đa số là… phản đối.

Lý luận đủ cả, song quan điểm chung là một khi Quốc hội đã bấm nút “bác”, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đừng có cố làm gì, kể cả việc vay (xin) tiền Nhật để nghiên cứu hai đoạn Hà Nội-Vinh và TP.HCM-Nha Trang!


Tương tự thế, khi thấy Quốc hội, các tổ chức chuyên môn như Hội Kiến trúc sư, Hội Môi trường đô thị và mới đây là UBND TP Hà Nội ra văn bản phản bác đồ án quy hoạch Hà Nội với dự kiến đặt trung tâm hành chính tại Ba Vì (sau đổi lại là “dự trữ quỹ đất xây dựng các cơ quan bộ, ngành của Chính phủ”) và trục Thăng Long (sau được đổi tên thành Hồ Tây-Ba Vì), nhiều người đã không thể hiểu nổi thái độ quyết tâm bảo vệ đến cùng của Bộ Xây dựng!

Có nhiều giả thuyết về những “lợi ích nhóm” chi phối các hành vi khó hiểu ấy, song điều mà giới chuyên môn cũng như dư luận rộng rãi cần được thuyết phục là những luận điểm khoa học, kinh tế trong việc kiên trì bảo lưu quan điểm đó ra sao.

Sở dĩ phải đặt ra vấn đề này bởi sau vụ đổ nợ lên tới trên 80.000 tỉ đồng ở Vinashin, hàng triệu người nộp thuế đã ý thức rõ ràng hơn về tài nguyên quốc gia cũng như đồng vốn nhà nước đang được giao cho một nhóm người đại diện. Vì thế, hàng loạt câu hỏi liên quan đến các ngành khoa học như môi trường, đất đai, giao thông, dân số, tài chính, thị trường, bảo hiểm… phải được những người đại diện trả lời, rồi còn phải sẵn sàng giải trình khi có phản biện bổ sung. Một khi quan điểm giữa bên đề xuất và bên phản biện được cọ xát trước sự chứng kiến của công chúng rộng rãi thì các quyết định đưa ra mới được gọi là “tâm phục, khẩu phục”.

Còn nhớ khi tiếp xúc cử tri Hà Nội hồi tháng 6 (ngay sau khi kỳ họp Quốc hội kết thúc), giải thích về việc không thông qua dự án đường sắt cao tốc, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng khẳng định một trong những yêu cầu đặt ra đối với các dự án là “phải có sự ủng hộ của người dân”.

Đến nay chưa thấy ai tuyên bố quan điểm này đã lạc hậu, thậm chí trong cương lĩnh lãnh đạo của Đảng sắp tới còn đưa chữ “dân chủ” lên trước mục tiêu “công bằng, văn minh” trong điều hành xã hội. Dĩ nhiên dân chủ là cách thức cao nhất thể hiện “sự ủng hộ của người dân”.
Vì thế bất kỳ sự “cố đấm ăn xôi” nào cũng đi ngược lại tiến trình đó.



TIN :
Dự án đường sắt cao tốc đang được khởi động lại?
Đặc biệt, mới đây, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Bằng đã cho biết, từ nay đến cuối năm 2010, Tổng công ty sẽ chủ động phối hợp với đối tác Nhật Bản để lập dự án đầu tư xây dựng hai đoạn tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh, Tp.HCM - Nha Trang (thuộc dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Tp.HCM), và dự án đường sắt Ngọc Hồi - Nội Bài, nhằm thực hiện mục tiêu của ngành là "đổi mới, an toàn và phát triển bền vững”.
Theo kế hoạch, các dự án trên có thể sẽ bắt đầu được nghiên cứu khả thi vào tháng 11/2010 và kết thúc vào quý 1/2012. Trao đổi với báo Pháp Luật Tp.HCM, một lãnh đạo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng xác nhận phái đoàn của Nhật Bản đang làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Về cơ bản, phía Nhật đã đồng ý tài trợ cho Việt Nam trong việc lập báo cáo dự án trên. Dự kiến biên bản ký kết thỏa thuận dự án trên sẽ được ký kết trong ngày mai (31/8). Sau đó các cơ quan chức năng sẽ tiến hành nghiên cứu, lập dự án với thời gian khoảng hai năm.
Tại kỳ họp thứ bảy vừa qua, ngay trước thời điểm Quốc hội bấm nút quyết định "số phận" dự án đường sắt cao tốc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết, nếu được Quốc hội cho phép làm báo cáo khả thi, thì Chính phủ dự kiến sẽ ưu tiên xây dựng đoạn tuyến Nha Trang - Tp.HCM trước, trong đó ưu tiên số một là Tp.HCM - Phan Thiết. Tuy nhiên, sau đó Quốc hội đã không thông qua chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM vì chỉ có hơn 37% đại biểu Quốc hội tán thành.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Cầu Giấy (Hà Nội) ngay sau kỳ họp, cũng khẳng định không có sức ép cho việc phải thông qua dự án đường sắt cao tốc lần sau (như một vài cử tri lo lắng hỏi tại buổi tiếp xúc) vì Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ phải chuẩn bị "chín" mới trình tiếp, cả về tính khả thi, trình độ kinh tế, sự phù hợp.
Ngày 20/7, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kết quả kỳ họp Quốc hội thứ bảy tại phiên họp thứ 32, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh để trình dự án đường sắt cao tốc “vào thời gian thích hợp”.

Nguồn :http://butlong.multiply.com/journal/item/671/671

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét