6 thg 8, 2010
Bắt giam cựu chủ tịch Vinashin và canh bạc lớn
Đại hội Đảng lần thứ XI đang trong bối cảnh thăm dò bố trí nhân sự. Ông Nguyễn Tấn Dũng có vẻ đang nắm thế thượng phong trong cuộc đua. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng bị nhiều người không ưa, ghen tức hoặc bực bội vì tính lạm quyền và lộng hành. Cho nên canh bạc với con bài Vinashin sẽ còn nhiều hấp dẫn.
Tờ điện tử của Chính phủ Việt Nam trong ngày 4/8/2010 cho hay:
“Theo tin từ cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an cho biết, được sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, chiều 4/8/2010, cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã tiến hành bắt, khám xét đối với Phạm Thanh Bình, sinh năm 1953 tại tỉnh Cà Mau; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: số 10 Ngô Văn Sở, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội; nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Tập đoàn Vinashin), đã có hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.
“Việc bắt, khám xét được tiến hành theo đúng trình tự của pháp luật. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ mức độ sai phạm của Phạm Thanh Bình để xử lý theo quy định của pháp luật”.
Phóng viên tới săn tin tại nhà ông Bình - Ảnh: VNN
Xe cảnh sát rời nhà ông Bình - Ảnh: VNN
Từ Minh Phụng…
Trong vụ án Epco – Minh Phụng vào nửa sau của thập niên 90, tuy Tăng Minh Phụng là chủ doanh nghiệp tư nhân, nhưng có yếu tố tương đồng với vụ Vinashin về tội danh, hành vi: gian lận tài chính, tạo nên khoản nợ xấu khổng lồ cho nhà nước.
Tăng Minh Phụng lập nhiều công ty con cho người nhà hoặc nhân viên đứng tên, thông đồng với cơ quan công chứng nâng giá bất động sản, với mục đích thế chấp vay tín dụng ngân hàng khoảng 350 triệu đôla cho sản xuất và đầu tư.
Tuy nhiên, dư luận xã hội cho rằng, vào thời điểm Minh Phụng bị bắt, nếu nhà nước thanh lý tài sản công bằng và sòng phẳng, Minh Phụng hoàn toàn có khả năng chi trả và chỉ bị xử tội lừa đảo kinh tế chứ không đến mức bị tử hình.
Trong tiến trình xử Minh Phụng, bà luật sư bào chữa cho Minh Phụng đã bật khóc vì tòa không cho giải trình đủ ý. Bà khẳng định rằng, nhà nước định giá một mét vuông đất của Minh Phụng chỉ bằng giá một cây kem (1.200 đồng lúc đó) để trừ nợ là hết sức bất công, nếu không nói hành động ăn cướp.
Trong một cuộc họp của Bộ Chính trị vào giai đoạn đó, theo lời kể của người nhà Minh Phụng, ông Nông Đức Mạnh đã lặp lại nhiều lần câu: “Bắn Minh Phụng là không công bằng”.
Nếu người nhà Minh Phụng nói đúng như trên, dù có thực lòng muốn quẳng phao cứu Minh Phụng trả tình trả nghĩa, thì thế lực của Nông Đức Mạnh lúc đó chưa đủ mạnh để thuyết phục được các nhân vật khác trong Bộ Chính trị.
Trong quá trình xử án, Minh Phụng đã tự nhận hết mọi trách nhiệm về mình với hy vọng giảm tội cho những người thân trong gia đình bị dính líu. Minh Phụng cũng không khai ra bất kỳ quan chức lớn nào đã nhận hối lộ, vì hy vọng sẽ được một số cán bộ cao cấp có quan hệ gần gũi như Bùi Thiện Ngộ (Bộ trưởng Bộ Nội vụ), Nông Đức Mạnh (Chủ tịch Quốc hội) xắn tay áo… cứu bồ!
Tháng 5/2003, Chủ tịch nước Trần Đức Lương bác đơn xin giảm án của Tăng Minh Phụng. Tháng 6/2003, Tòa án thành phố Sài Gòn đề nghị lùi thời gian thi hành án vì Minh Phụng còn liên quan đến vụ kinh tế khác, nhưng án tử hình Minh Phụng vẫn được thực hiện vào ngày 11/07/2003. Gia đình Minh Phụng đã bí mật mua lại xác với giá 80 triệu đồng (tương đương 4.500 USD theo thời giá lúc đó) để mang về chôn cất.
Người ta cho rằng, Minh Phụng bị “đi” nhanh, bởi vì các mối liên hệ chằng chịt giữa Minh Phụng và các quan chức lớn có nguy cơ bị lật tẩy. Minh Phụng có thể khai ra khi thấy hết đường sống và phẫn uất vì đã tin tưởng vào họ một cách ấu trĩ. Ngoài ra, núi vàng cám dỗ và thúc đẩy nữa chính là món thanh lý mười mấy nhà xưởng may mặc hiện đại với hàng ngàn công nhân, đất đai mênh mông, cùng vô số bất động sản của Minh Phụng rải khắp ba miền Bắc – Trung – Nam.
đến Vinashin
Tập đoàn Vinashin dưới sự điều hành trong vài năm ngắn ngủi của Phạm Thanh Bình đã để lại cho đất nước món nợ khủng khiếp: 80.000 tỷ đồng, tương đương 4 tỷ đôla và các hậu quả nghiêm trọng liên đới khác.
Nếu nói về mức độ thiệt hại kinh tế thì Minh Phụng gây ra nhỏ hơn nhiều so với Phạm Thanh Bình. Ngoài gian lận tài chính, Phạm Thanh Bình còn thêm tội lạm dụng chức quyền. Món nợ của Vinashin gần như mất đứt, vì nếu định giá số tài sản “sắt vụn” để cân đối vào khoản nợ khổng lồ kia thì chẳng được bao nhiêu.
Từ loạt bài “Những con tàu nát” đăng tải trên các báo trong nước, hay loạt bài “Vinashin: chuyện bây giờ mới kể” đăng trên các báo “lề trái” cho thấy những quan lại thời “mở cửa” đã cho phép mình vứt tiền công quỹ qua cửa bạt mạng và vô lối như thế nào.
Tuy nhiên, theo tin của Bộ công an đã nêu, Phạm Thanh Bình bị bắt giữ vì có hành vi vi phạm Điều 165 của Bộ Luật Hình sự. Như vậy, nếu Phạm Thanh Bình được xét xử theo điều này thì với mức án không nặng.
Điều 165 của Bộ Luật Hình sự (được bổ sung và sửa đổi năm 2009) xác định “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” như sau:
“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Giả thiết 1
Cao nhất, theo mục 3, Điều 165, Phạm Thanh Bình có thể bị Tòa Sơ thẩm xử ở mức từ 10 đến 20 năm. Mức án ban đầu này có thể được phán quyết cao nhằm xoa dịu dư luận.
Trong quá trình điều tra và trước tòa án, Phạm Thanh Bình ngậm bồ hòn làm ngọt, những bí mật của các phi vụ chia chác, móc ngoặc, lại quả chôn chặt trong lòng, không tiết lộ, thành khẩn nhận tội, rồi kháng án lên Tòa án Phúc thẩm. Ở giai đoạn này Phạm Thanh Bình có thể sẽ được xem xét giảm nhẹ án, nhưng không quá nhiều.
Phạm Thanh Bình ở tù an nhàn với những điều kiện ưu đãi. Sau đó sẽ được giảm án nhanh chóng và cuối cùng được đặc xá.
Ra tù Phạm Thanh Bình có thể yên tâm sống một cuộc đời nhàn nhã với số tiền kếch sù kiếm được. Và “bè bạn” thưở nào lại tới tới, lui lui, chén tạc, chén thù.
Xin mở ngoặc về một nét lạ thường của nhà tù ở CHXHCN Việt Nam. Nếu không thuộc diện án hình sự loại nguy hiểm, tù nhân có nhiều tiền có thể biến giai đoạn ở tù thành thời gian nghỉ dưỡng. Với giá thỏa thuận, có thể xin Ban Giám thị không phải ở trong các phòng giam chung. Khi được ra ngoài, có thể xin cấp đất trong khu vực trại giam để xây cất nhà ở cho mình với đầy đủ tiện nghi. Có thể thuê tù nhân tới giúp mọi việc. Gia đình tới thăm nuôi và thoải mái ở lại ít ngày. Khi mãn hạn tù, tài sản này sẽ hiến cho trại giam.
Giả thiết 2
Phạm Thanh Bình thấy oan ức, tủi nhục vì phải gánh một mình, trong khi đó, nếu không có sự đồng ý của cấp trên thì không thể nào Bình có tiền và thực hiện được các dự án.
Cấp trên đã chấp thuận các yêu cầu của Phạm Thanh Bình và kèm theo các điều kiện gì thì chỉ có Trời biết, hoặc bản thân Phạm Thanh Bình biết. Nếu Phạm Thanh Bình tiết lộ ý định khai báo thì nguy cơ giứt giây động rừng sẽ xảy ra.
Bộ sậu ba người ở vị trí cao nhất, trực tiếp nhất và xuyên suốt toàn bộ tiến trình từ khi thành lập, duyệt chi vốn, tới lúc Vinashin lao xuống vực thẳm của nợ nần, gồm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng.
Trong trường hợp này Phạm Văn Bình có thể bị rơi vào hậu quả khó lường, thậm chí khó an toàn tính mạng.
Kết luận
Trên đây là những phân tích và các giả thiết, nhưng các giả thiết không phải không có logic. Thực tế đúng sai ra sao sẽ được thời gian trả lời. Quan trọng nhất là chúng ta cần phải theo dõi sát sao và đưa ra những nhận định kịp thời về diễn biến của vụ án cho công luận biết.
Đại hội Đảng lần thứ XI đang trong bối cảnh thăm dò bố trí nhân sự. Ông Nguyễn Tấn Dũng có vẻ đang nắm thế thượng phong trong cuộc đua giành cho bản thân và các chiến hữu những vị trí cao nhất.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng bị nhiều người không ưa, ghen tức hoặc bực bội vì tính lạm quyền và lộng hành.
Cho nên canh bạc với con bài Vinashin sẽ còn nhiều hấp dẫn
Nguồn : ledienduc.wordpress.com
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét