Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

3 thg 8, 2010

Cái phao của Nguyên thủ và tấm bằng tủ kính


Nếu như người đứng đầu Chính phủ đi hội đàm cấp cao còn phải dùng "phao" thì tại sao các quan chức lại không thể mua bằng tiến sĩ?!

Tại hạ còn nhớ như in cảm giác của mình khi chứng kiến vị nguyên thủ quốc gia, trong lần hiếm hoi được "hội đàm" với TT Mỹ đã phải dùng tới "phao".
Ông, chốc chốc, cứ xong một câu là lại cúi nhìn xuống "chiếc phao" cầm lăm lăm trong tay. Hình ảnh này được truyền tới hàng chục triệu dân Việt Nam và hàng tỷ người dân trên toàn thế giới.
Chúng ta hãy lật giở lại quy trình: Học sinh từ bé đã phải học theo kiểu "để thi". Sự tồn tại của những cái chợ phao trong khu Bách Khoa, và ở tất cả những hàng photocopy là một minh chứng cho một nền giáo dục thi cử "không thể không phao".
Và phải chăng chuyện những tấm bằng tiến sĩ bây giờ, hay nhục nhã hơn, việc dùng phao của Thủ tướng, chỉ là sản phẩm của nền giáo dục đó?

Câu chuyện tấm bằng tiến sĩ của Phó Bí Thư tỉnh ủy Yên Bái không đợi đến khi có kết luận chính thức, cũng biết đó là bằng giả. Không một trường nào trên thế giới có thể đào tạo tiến sĩ trong chỉ 6 tháng cả-
Một quan chức của Bộ Giáo dục và đào tạo đã nói thế và chúng ta cứ tin là như thế đi. Huống chi cái trường cấp bằng cho vị Phó Bí thư đã được phanh phui là đã bị cấm từ lâu và tất cả những tấm bằng mà nó sinh ra đã không còn được nước Mỹ, nơi nó đặt trụ sở, chấp nhận từ 7 năm trước khi ông Ngọc "lấy bằng".

Sau ông Ngọc, lại đến chuyện bằng giả ở Long An với con số chỉ có 6/96 trường hợp kiểm tra là có bằng thật. 90 trường hợp còn lại không học vẫn có bằng. Những người chưa đi học ngày nào thì "sau một đêm" có bằng cấp 3.
Những người đến tiếng Việt còn chưa sõi, một chữ bẻ đôi không biết vẫn có bằng ngoại ngữ. Chủ tịch MTTQ bằng giả, công an bằng giả, Bí thư đoàn, rồi đến cả Trạm trưởng y tế, đến Chánh phó chủ tịch, Chánh phó bí thư cũng bằng giả.

Có một câu chuyện khôi hài đến mỉa mai đang diễn ra tại đây: Ở xã Hưng Điền B (huyện Tân Hưng), Trưởng công an xã dùng bằng giả, nhưng không thể “đôn” phó công an lên thay thế vì vị phó công an cũng dùng bằng giả.
Giả nhiều, giả dầy, giả cả đám, đến nỗi nhiều nơi không thể xử lý những cán bộ dùng bằng giả. Lý do, bỏ người dùng bằng giả đi rồi sau đó không tìm được người thay thế.
Nhớ lại là Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã lưu lại hậu thế lời phát biểu nổi tiếng: "Cách chức đi, kỷ luật đi thì lấy ai làm việc". Ngẫm lại, hóa ra Chính phủ không phải không biết, nhưng biết rồi thì cũng chả biết làm gì trong một nền giáo dục "bất nhân", hay "phi nhân" này.

Con số các "ông Ngọc" giờ nhiều đến mức không chóng thì chày Nhà nước phải ra lệnh cấm không cho kiểm tra văn bằng của quan chức to bé. Bởi với mật độ "100 ông Ngọc mỗi tháng" thế này thì đúng là "lấy ai ra làm việc" thật chứ chẳng chơi.

Câu hỏi đặt ra bây giờ là ông Ngọc đã làm bằng giả như thế nào? Làm để làm gì và vì sao phải làm.
Câu hỏi đầu tiên rất dễ trả lời. Khi ông, hoặc lái xe của ông, ngửa tay nhận 74 triệu đồng từ ngân sách, có nghĩa là tấm bằng của ông đã được mua bằng tiền thuế của dân. Vâng, chính xác là tiền thuế của dân dù trên danh nghĩa đó là tiền thu hút nhân tài, tiền hỗ trợ cán bộ đi học...
Nhưng tấm bằng đó làm sao có thể thuyết phục được Tại hạ, cũng như đông đảo nhân dân rằng phải hy sinh quyền lợi của đứa con nhỏ nhà mình để góp tiền cho các vị đi mua bằng giả? Bởi với cái bằng giả đó, các vị sẽ làm được gì để trả hết nợ cho những người đang thuế ngày thuế đêm, thuế trên thuế dưới, thuế trước thuế sau, thuế to thuế bé, thuế mồ hôi thuế nước mắt, thậm chí cả thuế máu để có tiền đóng cho nhà nước lấy tiền nuôi các ông ăn học? Bởi chưng người dân quan tâm đến một vị quan chức ở chỗ "Ông đã làm được gì cho dân", chứ không cần gì phải quan tâm xem "Ông là gì".

Phó bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Ngọc sẽ dùng cái bằng giả đó làm gì? "Để cất vào tủ"- GS Văn Như Cương trả lời.
Vị GS già than vãn về một thực trạng xã hội đang tồn tại tâm lý trọng bằng cấp hơn thực tài. "Câu chuyện “học giả” mong có “chức thật” còn đau đớn hơn khi xã hội dễ dàng chấp nhận những người đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở những ngành nghề không liên qua đến chuyên môn của mình. Khi học xong, đem bằng về cất vào tủ"- ông nói. GS TS Nguyễn Minh Thuyết thì cho đây là "Thói hiếu danh hám lợi của những người đang giữ cương vị lãnh đạo".

Câu chuyện bằng giả càng lúc càng nóng khi nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, GS Phạm Minh Hạc công bố thông tin động trời: Từ 2001 - 2004, Bộ cũng đã tiến hành rà soát trên cả nước và phát hiện hơn 10.000 trường hợp quan chức có bằng cấp giả. 10.000 quan chức. 4 số 0000. Và sự việc này sau đó đã được "cất kín". Có lẽ chính sự bưng bít là một trong những nguyên nhân khiến nạn học giả- bằng giả- chức vụ thật- tiền thật không những không bị dẹp bỏ mà ngày càng trở nên tinh vi hơn.

Giờ đây, không ai biết là trong số 90 ngàn vị tiến sĩ, có bao nhiêu là "đồ xịn", bao nhiêu là "hàng dởm" khi hết tiến sỹ Ân 2 tuần lại đến tiến sĩ Hải 40 ngày và giờ đây lại đến tiến sỹ Ngọc 6 tháng. Toàn quan chức đầu ngành, đầu tỉnh. Ngẫm thấy cái sự học bị khinh thường quá thể.

Nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, GS TS Phạm Tất Dong phát biểu: Tôi quả quyết tại nhiều cơ quan chính quyền địa phương hiện nay có tới hàng vạn cử nhân, thạc sỹ, tiến sĩ được đào tạo theo “đơn đặt hàng” để khi cầm tấm bằng trên tay, họ vẫn không thể viết được một câu văn bản rõ ràng.

Ông Hoàng Thương Lượng - phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - nói: “Bằng này Bộ GD-ĐT của nước ta không công nhận sử dụng". Theo ông: “Vấn đề kinh phí thì không phải là lớn, mà quan trọng nhất là giá trị pháp lý của tấm bằng tiến sĩ ấy.
Rõ ràng trường này nằm trong danh sách lừa đảo. Tỉnh sẽ đối chiếu với quy định đào tạo tiến sĩ của Bộ GD-ĐT để xem xét và quyết định". Nhưng rõ ràng đây mới chỉ là những biện pháp bị động khi dư luận đã đẩy lời vào mồm bắt ông phải nói. Và cũng chỉ là để xử lý những tiến sĩ bị lộ. Chứ không phải là một biện pháp hay ho mới mẻ gì để chủ động phát hiện và ngăn chặn tình trạng bằng giả của quan chức các cấp, các địa phương.

Còn bao nhiêu những đồng chí tiến sĩ chưa bị lộ? Không ai biết được. Bởi chỉ tính riêng "Trường ĐH ma" nơi ông Ngọc lấy bằng tiến sĩ đã từng cho ra lò 43 thạc sĩ và hiện vẫn còn 160 học viên thạc sĩ khác. Đó là chưa kể tới hàng trăm, chính xác là 120 thạc sĩ MBA mà trường ĐH ma này phối hợp với Hanoi School of Business "đào tạo" nên.

Để bảo vệ cho ông Ngọc, Giám đốc Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế - tài chính, ông Nguyễn Thanh Nam đã hùng hồn khẳng định một chuyện rất kỳ lạ về tấm bằng tiến sĩ của ông Ngọc: "Bảo đảm do ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc đó là bà Condoleezza Rice ký, kèm theo đó là chữ ký của cả... tòa án New York, thống đốc bang New York. Còn bằng tiến sĩ của ông giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Phú Thọ mà gần đây dư luận xôn xao còn có cả chữ ký của cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton"...

Còn nhớ tại diễn đàn quốc hội, Đại biểu QH Lê Văn Cuông phát biểu rằng: "Ở các nước, người ta đào tạo tiến sĩ để làm việc trong các trường, viện nghiên cứu còn ở nước ta làm tiến sĩ là để ra làm quan". Ông Cuông cũng nói thẳng rằng việc này sẽ tạo cho nạn chạy chức chạy quyền phát triển.

Chính vì học tiến sĩ để làm quan, hoặc làm quan nên học tiến sĩ để được làm quan to hơn, cho nên ở Việt Nam mới sinh ra những cái "đề án phổ cập tiến sĩ" ở Hà Nội hay Chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ của Bộ GD và ĐT. Lo ngại của đại biểu QH Lê Văn Cuông về "Hội chứng ra ngõ gặp tiến sĩ" hoàn toàn không phải là thừa. Và tất nhiên, song hành với nó sẽ là "Vấn nạn chạy chức chạy quyền".

Cho nên, cái gốc của đại nạn tiến sĩ giả, chính là lối "tư duy tủ kính", một biến tướng của chủ nghĩa lý lịch còn sót lại, một căn bệnh "con nhà" đời mới, hình thức, háo danh đến mức bệnh hoạn. Một đất nước sẽ ra sao khi một nguyên thủ quốc gia phải cầm phao khi "hội đàm" với nguyên thủ nước ngoài? Sẽ đi về đâu khi tràn lan những tấm bằng tiến sĩ toàn được mua bằng tiền thuế của dân? Khi mà quan chức lớn nhỏ toàn dùng bằng giả, kiến thức giả để lãnh đạo nhân dân?

Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=3111

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét