Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

10 thg 8, 2010

Cầu hiền "đời" đeo huy chương cho xác chết


Đọc xong cái tin Phó Thủ tướng xin trao nhà cho GS Ngô Bảo Châu mà Tại hạ thấy lo quá chừng. Sao tặng vật không phải là một Viện nghiên cứu về toán cho đúng nghĩa "gươm báu tặng anh hùng"? Không phải là một "cơ chế" để ông có thể phát huy hết tài năng phụng sự cho đất nước?
Bởi nhà, hay tiền, ngẫm ra chỉ là vật ngoại thân, nhận rồi ít nhất cũng thấy hóa ra GS Ngô cũng tầm thường lắm chăng! Chưa kể tới việc, mà nguy cơ này rất dễ xảy ra, là GS Châu không thể làm việc nổi ở Việt Nam, thì ông sẽ xử lý chuyện đã nhận "gươm báu" này thế nào.

Tại hạ mà như GS Châu, dứt khoát lắc đầu, hoặc giả đã chót nhận, thì sẽ tặng lại ngôi nhà đó cho một thủ khoa khối A, sẽ theo học ngành toán tin, đang nổi tiếng trên các báo vì chuyện học giỏi, nhưng rất nghèo.

Sau sự kiện Ngô Bảo Châu, suốt từ năm 2009 đến nay, giới toán học Việt, và giờ là các quan chức, cứ vơ ông vào coi đó như một thành tựu của nền toán học Việt Nam, như một biểu hiện của trí thông minh Việt, thậm chí, trơ trẽn hơn, là dịp quảng bá cho chính sách cầu hiền kiểu "tam cố thảo lư" bằng việc một Phó thủ tướng "xuống tận nhà" GS Châu. Chưa kể một cái tên ăn theo là chúa đảo Đào Hồng Tuyển cũng có "nhã ý" tăng một biệt thự tại khu du lịch Tuần Châu- Quảng Ninh.

Nhưng nhà toán học Ngô Bảo Châu, với học vị tiến sĩ khoa học và học hàm giáo sư có phải là sản phẩm của nền toán học Việt Nam? Và việc tặng nhà, có phải là biểu hiện của chính sách cầu tài- chiêu hiền đãi sĩ?
Câu trả lời là: Không


Kể từ khi những đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi toán quốc tế đầu tiên năm 1974 đến nay, đã có hàng trăm lượt "thí sinh Ngô Bảo Châu" tham dự. Kết quả cho thấy: Người Việt không hề thiếu thông minh. Có tới 5 thí sinh từng giành 2 huy chương vàng liên tiếp (trong đó có Ngô Bảo Châu). 9 thí sinh từng giành điểm tuyệt đối. Và, có tới 2 lần đoàn Việt Nam xếp thứ 3 trong số các đoàn tham dự kỳ thi Olympic toán quốc tế.
Nhưng những thần đồng toán học đó bây giờ ra sao?

Chúng ta hãy thử xem lại cái tên Lê Bá Khánh Trình, cái tên mà bất kỳ người Việt Nam nào cũng từng nghe qua, từng hơn một lần "tự hào Việt Nam", thậm chí có cả một thế hệ từng coi ông là thần tượng của mình. Trên TNO, nhà báo Lê Thị Thái Hòa đã từng viết những dòng hết sức chua chát về Lê Bá Khánh Trình của "hôm nay" như sau:

Anh chưa từng là trưởng khoa Toán của Đại học Khoa học Tự nhiên như người ta đồn đại. Anh sống bình dị, khép kín, giống một cái cây sau cơn bão không sao mà trổ những cành lá non kiêu hãnh khi các cành và mầm của nó đã bị vặt hết.
Lê Bá Khánh Trình chưa bao giờ có một thành tích hay sự kiện gì trong cuộc đời vượt được giải thưởng mà anh giành được năm 1979 ở London. Có điều gì đã xảy ra sau giải thưởng ấy, phải chăng là những áp lực, những kỳ vọng lớn lao của nhiều người để thay vì biết đâu theo nghiệp cha, anh có thể trở thành một bác sĩ giỏi, hay đơn giản hơn, một người nào đó có một cuộc sống và tâm thế không như hôm nay, để cảm giác không chỉ riêng tôi khi tiếp xúc với anh, là sự co ro, rụt rè, khiêm nhường dễ khiến người đối thoại nản chí, chưa bao giờ làm khoa học, chưa bao giờ phát minh ra bất cứ cái gì hay áp dụng toán học vào một lãnh vực nào đó trong cuộc sống trừ việc đi giải dạy chính môn toán mà anh đã học 10 năm ở trường đại học lừng danh không chỉ của nước Nga: Lomonosov. ...
Lê Bá Khánh Trình vẫn thế, vẫn đến đúng giờ, vẫn gọi một thứ trà nóng, uống bằng hai tay và uống xong, trong khoảng giữa của sự im lặng nơi tôi, anh xin phép ra về.


Tại hạ tin rằng Lê Bá không thuộc diện "Con bò dắt qua Hồng trường thành tiến sĩ". Bởi có lẽ sai lầm nhất trong trường hợp họ Lê là anh đã "trở về", dù được tiếng yêu nước, để đổi lấy một cái giá quá đắt: Liệu có con cá nào có thể hóa rồng nếu thiếu cái thác, thậm chí thiếu cả nước?!

Còn Ngô Bảo Châu, trước khi được Time bầu chọn và sau đó nổi tiếng ở Việt Nam, ông đã có 21 năm "luyện công" tại Pháp (kể từ khi sang Pháp năm 1989). Trước đó GS cũng đã tham gia thi toán quốc tế như khoảng chục nhân tài Việt hàng năm vẫn mang chuông đi đánh xứ người.
Nhưng, phải nhấn mạnh là 21 năm được ăn học và chuyên tâm tại Pháp mới mang lại thành công cho ông ngày hôm nay, chứ không phải những cái phù phiếm kiểu trí tuệ Việt, hoặc sản phẩm của nền toán học Việt Nam.
Những cái mầm tốt, phải cần tới mảnh đất tốt. Những Lê Bá Khánh Trình và Ngô Bảo Châu, thành công sau 21 năm "di cư", đang cho thấy VN dứt khoát không phải là mảnh đất đó. Nhắc lại là ngoài việc vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, GS Châu đã có quốc tịch Pháp. Pháp là quốc gia chấp nhận 2 quốc tịch. Nhưng nếu giả sử đây là quốc gia chỉ chấp nhận 1 quốc tịch thì giờ đây Lê Bảo Châu đã là người Pháp hay vẫn mang quốc tịch Việt Nam?
Việc "trao nhà" hôm nay, xét về độ bỉ ổi, có lẽ cũng chả khác gì việc trao danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" cho huyền thoại của đại ngàn, Y Moan.
Hôm 6-8,
Y Moan đã không cầm được nước mắt khi hát xong bản "Anh muốn sống bên em trọn đời", ca khúc cuối cùng trong live show cuối cùng của cuộc đời ông. Ông cảm động vì sẽ được "Nhà nước" đặc cách trao danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân"? Hay ông tủi cho phận mình trước căn bệnh hiểm nghèo?

Y Moan đã mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối và Tại hạ tin ông rớt nước mắt vì đó là live show cuối cùng của cuộc đời ông, chứ không phải cái thứ danh hiệu hão đã từng được trao, một cách đặc cách, cho những xác chết mà trường hợp Phương Thanh là một ví dụ.

Cách đây ít năm, Tại hạ, cùng với một đồng nghiệp là anh Trần Đăng Lâm đã có chuyến đi về Đăk Glei, một huyện vùng xa cách tỉnh lỵ Kon Tum chừng gần 200 km. Đó là nơi ông già Mết trong tiểu thuyết Rừng Xà Nu đã sinh ra, đã sống, đã trở thành huyền thoại và đã chết. Có một chi tiết cay đắng làm sao. Trong những năm cuối đời, ông đã không được phép trở về làng Xô Man, nơi chôn nhau cắt rốn, dù chỉ cách huyện lỵ Đăk Glei chưa đầy ba chục cây số.
Trong một ngôi nhà mặt đường của phố huyện, cụ già đã sống những ngày tháng cuối đời trong tiếng mặc cả mua bán, trong 6m2 tin hin, trong ánh lửa chỉ được đốt lên 1 tiếng mỗi ngày, trong tiếng phàn nàn của người con dâu rằng sao đến giờ này vẫn chưa có giấy tờ, chính sách gì!.
Đinh Dươn, Con trai ông khi đó là Giám đốc Trung tâm y tế huyện cho biết: Huyện nói cứ để cụ ở đó để khi cụ mất huyện còn làm lễ truy điệu cấp quốc gia, để đó để khách trung ương về thăm viếng, để đó, để đưa cụ vào nghĩa trang liệt sĩ. Cả một bộ máy cấp huyện chỉ mong chờ cụ già huyền thoại mất đi để được làm "hậu sinh hiếu thảo". Hiếu đến mức quyết không cho ông cụ về làng, dù nguyện vọng cuối cùng của ông là được chết ở Xốp Nghét, nơi ông đã sinh ra, về với những huyền thoại của "Rừng xà nu", với Mai, với Heng, và dù ông đã phải ly hương để làm điển hình tiên tiến suốt từ năm 1975 đến khi nhắm mắt xuôi tay.

Nhà ơi là nhà. Danh hiệu ơi là danh hiệu. Hiếu nghĩa, cầu tài ơi là hiếu nghĩa cầu tài. Những câu chữ to tát, những cử chỉ cầu tài, chính xác hơn là tống tài đó hôm nay phải chăng chỉ là thói mị dân của cả một bộ máy, một thế hệ quan chức hàng ngày hàng giờ mong ngóng các huyền thoại chết đi để được làm ban tổ chức.

Chính sách "Tam cố thảo lư" giả nhân giả nghĩa kiểu tàu ngày nay, đau đớn thay, đã trở thành chính sách đeo huy chương cho xác chết.


Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=3196

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét