Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

14 thg 11, 2010

Câu hỏi nhỏ cho Dung Quất

Chậm tiến độ tới 9 năm. Tổng mức đầu tư tăng từ 1,5 lên đến 3 tỷ USD. Quyết toán được đánh giá là nhanh, nhưng vẫn còn tới 1 tỷ USD chưa được… quyết toán. Sự cố có lúc lên tới 2.800 điểm…




Nhiều vị đại biểu QH đã đề nghị xem xét đến bài toán hậu đầu tư, đã do dự khi bấm nút hoàn công đại dự án Dung Quất, bởi rõ ràng vấn đề lỗ hay lãi số với hiệu quả đầu tư, so với chiều dài đầu tư vẫn còn là một dấu hỏi lớn mà chỉ báo cáo của chủ đầu tư, hay thậm chí là Chính phủ vẫn chưa thể trả lời hết được.
Nhìn nhận lại quá trình tăng vốn cho Dung Quất cho thấy lý do tổng mức đầu tư tăng từ 1,5 tỷ lên 2,5 tỷ USD năm 2005 là do “Phải thay đổi hoàn toàn công nghệ cho…phù hợp với tiêu dùng”. Một dự án phải thay đổi toàn bộ công nghệ rõ ràng không phải là chuyện đơn giản. Nhưng hoá ra, vẫn chưa phải là đã xong. Tổng mức đầu tư sau đó tăng lên 3 tỷ USD. Cần phải dẫn lời Phó chủ nhiệm Uỷ ban KH, CN và MT của Quốc hội, ông Nghiêm Vũ Khải mà nhấn mạnh rằng: Con số 3 tỷ USD “có nghĩa là đã chạm tới nấc phải báo cáo Quốc hội theo Nghị quyết 49 của Quốc hội về các công trình, dự án trọng điểm quốc gia”.
Nói đến chuyện “tăng vốn”, không thể không nhắc tới Dự án thuỷ điện Sơn La. Năm 2002, ngay trước thời điểm QH bấm nút thông qua Dự án thuỷ điện Sơn La, ông Đào Văn Hưng, bấy giờ là TGĐ EVN dõng dạc cho rằng: “Dự toán hiện nay ở mức trên 36.000 tỷ đồng. Nhưng trong quá trình thi công có thể có những hạng mục phải tăng hoặc giảm đầu tư... Nhưng tôi nghĩ số chênh lệch đó không lớn, chỉ cộng trừ 5-7% dự toán. Ngoài ra còn có những biến động về tỷ giá, tiền công với người lao động... là những yếu tố khách quan phải chấp nhận”.

5 năm sau khi chiếc cọc đầu tiên được đóng, tổng mức đầu tư cho Dự án nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam với công suất dự kiến 2.400 Mw, “phát 9 tỷ kWh/năm, tương đương mức tiêu thụ điện năng của toàn miền Bắc”, lên đến gần 60 ngàn tỷ. Đơn vị đóng vai trò phản biện của Dự án, Uỷ ban KH, CN và MT Quốc hội sau đó đã đánh giá: “Khâu điều tra, khảo sát để chuẩn bị dự án, nhất là dự toán chi phí chưa tốt nên gây ra những phát sinh đáng kể. Mặc dù những năm qua kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhưng các yếu tố khách quan không ảnh hưởng nhiều để làm tăng vốn. Nguyên nhân chủ quan vẫn là chính”. 5-7% chênh lệch, có vẻ rất nhỏ bé, của Chủ đầu tư, sau chỉ vài năm (Sơn La khởi công từ năm 2005) bỗng trở thành 50%

Đã có một câu hỏi “nổi tiếng” sau vụ tăng vốn này, rằng: Trên lý thuyết, Quốc hội có thể đình chỉ công trình nếu thấy các giải trình chưa hợp lý..?. Và một quan chức của Quốc hội đã trả lời, cũng với một câu trả lời không kém nổi tiếng, rằng: “Tôi không ngạc nhiên….trên thực tế, thủy điện Sơn La là cần thiết và hiệu quả, không thể đình chỉ được”. Làm sao mà QH có thể đình chỉ được với những siêu dự án, siêu công trình đã bỏ ra số tiền siêu lớn, dù dự toán ban đầu đã đặt ra một con số mà QH có vẻ rất dễ gật đầu. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A đã chỉ bình luận rất giản dị rằng: Đã đâm lao, thì phải theo lao. Không cấp vốn thêm còn thiệt hại hơn nhiều.

Nhưng hình như không phải chỉ Dung Quất, cũng không phải chỉ Sơn La. Nhìn sang Đại dự án Đường Hồ Chí Minh, đại dự án 5 triệu ha rừng. Không dự án nào là không có chuyện “xin tăng vốn”. Bởi vậy, khi đại biểu QH Hà Nội Chu Sơn Hà kiến nghị QH giao kiểm toán nhà nước vào kiểm toán công trình thì có vẻ như ai cũng thấy là hợp lý. Nếu như những bất cập, nếu như nguyên nhân làm tăng vốn của những đại công trình như Dung Quất không được chỉ ra, nhìn nhận và kiểm điểm một cách nghiêm túc, nếu như trách nhiệm của Chủ đầu tư không được xem xét thì ai sẽ đảm bảo những đại công trình đã và sẽ được tiến hành sau này không đi vào đúng vết cũ, có nghĩa là cũng lại tăng tổng mức đầu tư gấp đôi, cũng lại kéo dài ngót nghét cả thập kỷ.

Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=4917

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét