Toàn văn bài phát biểu của ông Dương Trung Quốc
Kính thưa Quốc hội.
Trước hết, vì thời lượng phát biểu hạn chế mà tôi không có ý kiến về những vấn đề được nêu trong báo cáo mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp này mà nhiều vị đại biểu đã phát biểu trước tôi, ghi nhận những nỗ lực to lớn của Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện trọng trách của mình vượt qua những khó khăn của thời kỳ khủng hoảng cũng như phân tích những yếu kém sai sót của Chính phủ.
Tại đây tôi muốn bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề mà bản Báo cáo của Chính phủ không đề cập tới, nói đúng hơn là lẽ ra phải đề cập tới. Thêm một lần nữa tôi muốn bày tỏ sự cần thiết phải cải tiến hình thức và nội dung các bản báo cáo Chính phủ trình vào mỗi kỳ họp Quốc hội. Với thời lượng nửa năm nhưng báo cáo chỉ đề cập đến những vấn đề vĩ mô thì nó sẽ mãi mãi chỉ nhắc đi, nhắc lại những điệp khúc của các đánh giá, các bài học hay giải pháp chẳng mấy khác nhau với những con số được điều chỉnh nhưng rất khó kiểm chứng.
Báo cáo của Chính phủ vẫn được trình Quốc hội chỉ 1 ngày trước lúc khai mạc, 19/10. Tại kỳ họp trước tôi đã đặt câu hỏi vậy thì lấy đâu thời gian để Quốc hội thẩm tra theo luật định. Còn lần này tôi muốn đặt câu hỏi tính đến ngày hoàn tất báo cáo sự cố vỡ đập bùn đỏ ở Hunggari đã diễn ra được nửa tháng, sự cố đã xới lại một vấn đề mà toàn xã hội quan tâm về sự an toàn môi trường và hiệu quả kinh tế của Dự án khai thác boxit ở Tây Nguyên. Không lẽ Chính phủ, tôi dùng chữ “vô cảm” đến mức không hề đả động trong nội dung báo cáo trước Quốc hội và Quốc hội cũng không yêu cầu Chính phủ giải trình trước hết để làm an lòng dân, sau nữa thể hiện tính nhạy bén và trách nhiệm giám sát thường xuyên của mình. Người dân quan sát thấy dường như cả Quốc hội và Chính phủ đều coi câu chuyện bôxít đã là chuyện “ván đã đóng thuyền”.
Tôi trân trọng cảm ơn Chủ tọa đã mời Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên phát biểu trước tôi nhưng tất cả những điều Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên phát biểu trước tôi cũng chưa thực sự làm an lòng tôi. Bởi lẽ như Bộ trưởng nói tất cả việc triển khai xây dựng báo cáo về môi trường diễn ra cách đây đã 1 năm, không biết sau sự cố Hunggari Đoàn giám sát của bộ đã đi chưa, như thế vẫn là những thông tin cũ. Hơn thế nữa chúng ta thấy đã một lần trên phương tiện thông tin đại chúng, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói rằng đó là về lý thuyết còn trên thực tiễn là chưa rõ. Người ta đặt dấu hỏi về khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn như thế nào, chúng ta thấy thấp thoáng câu chuyện Vinashin, câu chuyện Thủ tướng không cho phép mà người đứng đầu vẫn thực hiện, vì thế cho nên không thể làm an lòng người dân được.
Mối lo của các tầng lớp nhân dân là chính đáng, các biểu thị của mối lo ấy đã được thể hiện một cách có trách nhiệm, hợp pháp, công khai trên các phương tiện truyền thông, đã thu hút được mối quan tâm rất rộng rãi, mạnh mẽ của toàn xã hội. Nhiều tầng lớp nhân dân, trong đó các vị lão thành cách mạng có uy tín, các cựu quan chức, các nhân sỹ trí thức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các nhà chuyên môn am hiểu lĩnh vực này lên tiếng một cách có trách nhiệm, nêu ra những giải pháp tích cực có tình, có lý và sẵn sàng hỗ trợ cùng Chính phủ thực hiện tốt hơn chức năng của mình.
Nếu theo dõi diễn biến ngay trong thời gian 10 ngày tiếp khi kỳ họp thứ 8 đang diễn ra cho đến hôm nay, chỉ cần qua những phương tiện truyền thông của nhà nước người dân cũng có thể cảm nhận được rằng mối quan ngại của mình về dự án này càng ngày càng có cơ sở. Những ý kiến mang tính chất phản biện khoa học và đầy tinh thần trách nhiệm của những người yêu cầu phải dừng hay xem xét lại dự án khai thác bôxit ở Tây Nguyên ngày càng nhiều về số lượng, càng có sức nặng thuyết phục về chất lượng. Trong khi đó trả lời các quan chức có trách nhiệm của Chính phủ lại càng bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại hơn về hiệu quả kinh tế trong khai thác và tiêu thụ, về sự thiếu đồng bộ giữa dự án khai thác và điều kiện hạ tầng để vận chuyển, về sự lựa chọn công nghệ và địa điểm chế biến tối ưu, về những rủi ro về sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.
Những vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng ở một không gian chiến lược như Tây Nguyên vẫn còn nguyên vẹn. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến an toàn môi trường khi chúng ta không chỉ chứng kiến vụ báo động ở Hunggari hay những biến đổi thất thường khí hậu toàn cầu qua những thiên tai ở Indonesia mới đây hay cơn bão Mezi có cấp độ lớn chưa từng thấy và những vụ lũ lụt diễn ra với mức độ, tần số vô cùng lớn ở miền Trung nước ta cũng là những điều đáng được xem xét lại dự án Bôxit.
Trong khi đó dư luận chứng kiến những phát biểu ngày càng ít thuyết phục, thậm chí thiếu tự tin hơn của các quan chức có trách nhiệm hay những người ủng hộ dự án này. Theo tôi báo cáo của Chính phủ lẽ ra phải chủ động thể hiện quan điểm của mình để vừa thể hiện sự nhạy bén với thời cuộc, sự tôn trọng với dư luận, sự tự tin đối với chính kiến của mình, sự sẵn sàng đối thoại với những bức xúc của nhân dân trước hết là để an dân, sau nữa là cùng nhân dân tìm ra giải pháp tốt nhất vì lợi ích quốc gia.
Kính thưa Quốc hội, tại cuộc thảo luận này, chúng ta đã phân tích và phê phán mạnh mẽ về sự cố Tập đoàn Vinashin chúng ta đã thẳng thắn phê bình Thủ tướng và Chính phủ nhưng nếu như chúng ta tuân thủ quyền càng cao thì trách nhiệm càng cao, sự tự phê phán của Quốc hội mà một số vị đại biểu đã nêu lên vẫn chưa tương xứng với trách nhiệm của Quốc hội, trong đó có mỗi đại biểu Quốc hội chúng ta trong việc này. Bởi lẽ Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất thì trách nhiệm cũng phải cao nhất, như tôi đã phát biểu khi đóng góp ý kiến cho Văn kiện tại Đại hội lần thứ XI của Đảng đã là người lãnh đạo toàn diện thì vinh quang và trách nhiệm cũng phải toàn diện.
Bài học về sự đổ vỡ của Vinashin hoàn toàn có thể soi vào dự án bôxít nếu chúng ta ứng xử với Vinashin bằng sự buông lỏng quyền giám sát Quốc hội, bỏ ngoài tai những ý kiến đóng góp của nhân dân không loại trừ sự lặp lại. Vinashin làm thất thoát tiền bạc và cán bộ, hậu quả của dự án bôxít nếu xảy ra liên quan đến vận mệnh của quốc gia. Đó cũng là lý do vì sao tôi đề nghị Quốc hội phải công khai danh tính khi bấm nút biểu quyết để nhân dân hôm nay và lịch sử ngày mai có thể phán xét hành động của mỗi người. Không chỉ riêng vấn đề bôxít, nhiều vấn đề khác mà nhân dân đang quan tâm cũng được phản ánh trong Báo cáo của Thủ tướng tại mỗi kỳ họp ở nửa năm của Quốc hội.
Dĩ nhiên vào thời điểm này vấn đề biển Đông đang nổi lên như một nỗi lo toan của toàn dân và thực sự nhân dân cũng biết đến nỗ lực to lớn trên trường ngoại giao và Chính phủ đang làm một cách đáng biểu dương, nhưng vấn đề biển Đông trong báo cáo dường như chỉ đề cập như một nội dung không đáng kể.
Tình hình thiên tai bão lụt ngày càng nhiều, càng lớn, nhưng ở Quốc hội chúng ta mới thấy việc kêu gọi cứu trợ, phân ưu với những nạn nhân mà không thấy sự bàn bạc để tìm giải pháp ứng phó hiệu quả và lâu dài.
Trong hai nhiệm kỳ mà tôi tham gia, tôi chưa thấy lần nào Chính phủ đưa ra Quốc hội bàn việc ứng phó với sự thay đổi khí hậu ngay cả đến khi tình hình đã trở nên cấp bách như lời nhắc nhở mới đây nhất của ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc khi sang thăm nước ta. Phát biểu góp ý cho Báo cáo của Thủ tướng tại Quốc hội, tôi đề nghị ngay tại kỳ họp này không chỉ Thủ tướng cần bày tỏ thái độ đối với những ý kiến của dân trong những giải trình của mình mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nên chủ động điều hành để kỳ họp áp chót của Quốc hội Khóa XII thể hiện được những chuyển biến chủ động hướng tới mục tiêu thúc đẩy những nhân tố dân chủ để làm tăng thêm hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng như Chính phủ.
Cuối cùng, nếu đặt lợi ích của dân tộc lên cao trên hết thì mọi khó khăn khắc nghiệt đều có thể vượt qua cho dù mọi sự so sánh có thể là khập khiễng, từ bài học kéo pháo của Điện Biên Phủ năm xưa vẫn có thể tìm thấy sự đồng thuận, đi đến những quyết định dũng cảm và sáng suốt. Ví như sau khi cân nhắc kỹ lại một lần nữa có thể dừng lại Dự án bô-xít để bàn bạc cho thấu đáo. Dự án Dung Quất đã kéo dài nhiều năm vì sự lựa chọn phương án tối ưu và cái tối ưu phải thuộc về lợi ích dân tộc của mình, vì thế việc dừng lại để bàn thêm dự án bô-xít là điều không trái với lòng dân.
Xin cám Quốc hội.
Toàn văn bài phát biểu của ông Nguyễn Minh Thuyết
Thưa Quý Vị chủ toạ,
Thưa Quý Vị đại biểu và khách mời,
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2010 này, nước ta đã đạt và vượt 16/21 chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra.
Cũng như đông đảo người dân, tôi rất hân hoan trước tin vui này và hết sức trân trọng những kết quả đã đạt được.Tuy nhiên, tôi cũng vô cùng lo lắng trước những khuyết điểm nghiêm trọng trong điều hành nền kinh tế mà báo cáo của Chính phủ phân tích chưa sâu, chưa đủ cụ thể và nghiêm khắc.
Trong thời gian có hạn, tôi chỉ tập trung nói về vụ Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) sụp đổ. Vâng, thực sự là nó đã sụp đổ, mặc dù chúng ta có thể dùng những từ ngữ nhẹ nhàng hơn theo truyền thống tu từ của mình. Tập đoàn Vinashin sụp đổ đã trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ không dưới 100.000 tỷ đồng, món nợ mà một tỉnh thu nhập cỡ 1000 tỷ đồng / năm phải làm quần quật, không mua sắm, ăn uống, may mặc gì suốt một thế kỷ mới trả nổi. Đối với đồng bào nhiều nơi, nhất là nông thôn, miền núi thì trả món nợ khổng lồ này có nghĩa là chậm làm đường, làm cầu, xây trường học, bệnh viện,… - những nhu cầu rất thiết yếu cho cuộc sống của đồng bào.
Sai phạm trong chỉ đạo, điều hành thì đã rõ. Nhưng có một câu hỏi đến nay vẫn chưa có câu trả lời là : “Ngoài lãnh đạo Vinashin, còn những ai phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này?”.
Báo cáo của Chính phủ cho biết “Chính phủ có trách nhiệm” và “đã nghiêm túc kiểm điểm”. Nhưng cụ thể như thế nào? Theo tôi hiểu, trong trường hợp này, các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội, cơ quan đại diện nhân dân cả nước bầu ra mình; không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm.
Vụ việc này nhắc tôi nhớ đến vụ án Lã Thị Kim Oanh ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cách đây hơn 6 năm. Vì nuông chiều, luôn áp dụng những “siêu cơ chế” cho công ty của Lã Thị Kim Oanh, dẫn đến thất thoát trên 100 tỷ đồng mà một vị Bộ trưởng đang rất được lòng dân, được lòng đại biểu Quốc hội đã phải từ chức và hai vị Thứ trưởng phải ra trước vành móng ngựa.
Vinashin là một kiểu Lã Thị Kim Oanh phóng đại cỡ 1000 lần. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm nay, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nhận định "có dấu hiệu bao che cho những sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin, làm thiệt hại lớn đến tiền và tài sản nhà nước". Nhưng ai bao che, bao che thế nào, vì nguyên nhân gì, nhằm mục đích gì và phải chịu trách nhiệm thế nào thì Ủy ban Tư pháp chưa có điều kiện kết luận. Thế mà Quốc hội không làm rõ được điều này thì không hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước dân.
Vì vậy, căn cứ Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này, trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp, bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan.
Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của Uỷ ban lâm thời, tôi đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra.
Thưa Quý Vị chủ toạ,
Thưa Quý Vị đại biểu và khách mời,
Nói những điều trên, tôi cảm thấy rất đau xót và khó khăn. Nhưng chúng ta có xử lý nghiêm vụ việc này thì mới thể hiện được sự công minh của pháp luật, hạn chế được những dự án làm ăn phá của, bốc trời, đưa hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước vào quỹ đạo lành mạnh, đảm bảo cho kinh tế phát triển bền vững và lấy lại được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng.
Thưa Quý Vị,
Hôm nay, tôi đọc một văn bản đã chuẩn bị sẵn là để ngay sau buổi họp này trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội như một kiến nghị chính thức của đại biểu.
Trân trọng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương xem xét và cho biểu quyết về kiến nghị của tôi.
Xin cảm ơn.
Thưa Quý Vị đại biểu và khách mời,
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2010 này, nước ta đã đạt và vượt 16/21 chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra.
Cũng như đông đảo người dân, tôi rất hân hoan trước tin vui này và hết sức trân trọng những kết quả đã đạt được.Tuy nhiên, tôi cũng vô cùng lo lắng trước những khuyết điểm nghiêm trọng trong điều hành nền kinh tế mà báo cáo của Chính phủ phân tích chưa sâu, chưa đủ cụ thể và nghiêm khắc.
Trong thời gian có hạn, tôi chỉ tập trung nói về vụ Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) sụp đổ. Vâng, thực sự là nó đã sụp đổ, mặc dù chúng ta có thể dùng những từ ngữ nhẹ nhàng hơn theo truyền thống tu từ của mình. Tập đoàn Vinashin sụp đổ đã trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ không dưới 100.000 tỷ đồng, món nợ mà một tỉnh thu nhập cỡ 1000 tỷ đồng / năm phải làm quần quật, không mua sắm, ăn uống, may mặc gì suốt một thế kỷ mới trả nổi. Đối với đồng bào nhiều nơi, nhất là nông thôn, miền núi thì trả món nợ khổng lồ này có nghĩa là chậm làm đường, làm cầu, xây trường học, bệnh viện,… - những nhu cầu rất thiết yếu cho cuộc sống của đồng bào.
Sai phạm trong chỉ đạo, điều hành thì đã rõ. Nhưng có một câu hỏi đến nay vẫn chưa có câu trả lời là : “Ngoài lãnh đạo Vinashin, còn những ai phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này?”.
Báo cáo của Chính phủ cho biết “Chính phủ có trách nhiệm” và “đã nghiêm túc kiểm điểm”. Nhưng cụ thể như thế nào? Theo tôi hiểu, trong trường hợp này, các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội, cơ quan đại diện nhân dân cả nước bầu ra mình; không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm.
Vụ việc này nhắc tôi nhớ đến vụ án Lã Thị Kim Oanh ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cách đây hơn 6 năm. Vì nuông chiều, luôn áp dụng những “siêu cơ chế” cho công ty của Lã Thị Kim Oanh, dẫn đến thất thoát trên 100 tỷ đồng mà một vị Bộ trưởng đang rất được lòng dân, được lòng đại biểu Quốc hội đã phải từ chức và hai vị Thứ trưởng phải ra trước vành móng ngựa.
Vinashin là một kiểu Lã Thị Kim Oanh phóng đại cỡ 1000 lần. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm nay, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nhận định "có dấu hiệu bao che cho những sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin, làm thiệt hại lớn đến tiền và tài sản nhà nước". Nhưng ai bao che, bao che thế nào, vì nguyên nhân gì, nhằm mục đích gì và phải chịu trách nhiệm thế nào thì Ủy ban Tư pháp chưa có điều kiện kết luận. Thế mà Quốc hội không làm rõ được điều này thì không hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước dân.
Vì vậy, căn cứ Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này, trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp, bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan.
Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của Uỷ ban lâm thời, tôi đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra.
Thưa Quý Vị chủ toạ,
Thưa Quý Vị đại biểu và khách mời,
Nói những điều trên, tôi cảm thấy rất đau xót và khó khăn. Nhưng chúng ta có xử lý nghiêm vụ việc này thì mới thể hiện được sự công minh của pháp luật, hạn chế được những dự án làm ăn phá của, bốc trời, đưa hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước vào quỹ đạo lành mạnh, đảm bảo cho kinh tế phát triển bền vững và lấy lại được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng.
Thưa Quý Vị,
Hôm nay, tôi đọc một văn bản đã chuẩn bị sẵn là để ngay sau buổi họp này trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội như một kiến nghị chính thức của đại biểu.
Trân trọng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương xem xét và cho biểu quyết về kiến nghị của tôi.
Xin cảm ơn.
Phát biểu của đại biểu Lê Văn Cuông
Kính thưa Quốc hội,
Qua nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội năm 2010, nhiệm vụ năm 2011 tôi cơ bản tán thành. Sau đây tôi xin được tham gia thảo luận 3 vấn đề.
Thứ nhất, về việc quản lý các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Từ nhiều năm nay Đảng và Nhà nước ta có chủ trương rất đúng đắn là cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, qua đó tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng sản xuất kinh doanh, nhưng chưa được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trái lại ở một số nơi đã cố níu bám mô hình khép kín ấy để hình thành các nhóm lợi ích. Để bảo vệ quyền lợi riêng của mình họ đã tìm mọi cách cản trở tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Sự cố Vinashin đã được cảnh báo sớm về kết quả quản lý yếu kém, tiêu cực, nhưng vì có biểu hiện bao che, ưu ái, nuông chiều nên cái u, cái nhọt lâu ngày đã vỡ tung để lại hậu quả hết sức nặng nề. Tổng vay nợ có thể lên đến con số 120 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi công dân Việt Nam từ lớn đến bé, từ người giàu đến người nghèo phải gánh nợ cho Vinashin khoảng 1,5 triệu đồng. Vinashin là giọt nước làm tràn ly, bộc lộ rõ trình độ quan liêu, yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý vốn, tài sản Nhà nước của Chính phủ, các Bộ ngành chức năng đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được xác định là những đầu tàu, là quả đấm thép của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi Chính phủ đã đứng ra bảo lãnh cho tập đoàn này được vay hàng tỷ đôla trái phiếu quốc tế, tạo điều kiện cho họ mang tiền Nhà nước đi tung hoành khắp đó đây từ Nam ra Bắc, kể cả đến các tỉnh miền núi thu gom nhiều xí nghiệp làm ăn thua lỗ về, thành lập đến 200 công ty con, công ty cháu, thật khó hiểu. Không biết quản lý kiểu gì mà Vinashin đi mua tàu, mua nhà máy phát điện cũ và đầu tư khắp nơi. Nhưng bộ chủ quản, các bộ chức năng và cả Thủ tướng Chính phủ cũng không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt, có hai lần Thanh tra Chính phủ đề nghị được vào cuộc, nhưng đã bị chặn lại. Mặt khác, kể từ năm 2006 đến năm 2009, có tới 11 đoàn đến làm việc nhưng vẫn không phát hiện ra được căn bệnh hiểm nghèo của Vinashin.
Còn nhớ cách đây mấy năm, có thành viên Chính phủ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội đã giải trình, tiền cấp cho người ta rồi, người ta muốn làm gì tùy họ, mình quản sao được. Và hệ lụy để Vinashin sụp đổ thảm hại như hôm nay cũng là điều dễ hiểu, có điều để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như thế nếu ở các nước, Chính phủ hoặc ít ra có vài ba vị trí đã phải lên tiếng xin từ chức rồi, nhưng ở nước ta thì chưa. Cho nên cử tri kiến nghị tại kỳ họp này, Quốc hội cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng phụ trách ngành, Bộ trưởng Bộ chủ quản, Thủ trưởng các Bộ, ngành chức năng có liên quan, chứ không thể nêu chung chung như nội dung các Báo cáo của Chính phủ.
Tôi tán thành ý kiến đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị Quốc hội tại kỳ họp này cần thành lập Ủy ban lâm thời theo quy định của pháp luật, để điều tra xác làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan qua vụ tiêu cực ở Vinashin, nhằm ngăn chặn kịp thời, hữu hiệu các tập đoàn kinh tế lũng loạn Nhà nước.
Về Tập đoàn Điện lực Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước độc quyền sản xuất, phân phối trên 60% sản lượng điện của cả nước. Nhiều năm qua họ được coi như con cưng của nền kinh tế, nên nhận được nhiều ưu ái. Khi có thành tích họ vơ vào và chia tiền thưởng cao, còn khi thiếu điện thì không thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm. Thử hỏi vai trò, trách nhiệm của Nhà nước ở đâu, trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội chúng ta đặt quyết tâm đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp. Vậy bây giờ thiếu điện triền miên, các cơ quan Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công thương và lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cứ hứa tới, hứa lui để biện minh cho sự yếu kém, thiếu trách nhiệm của mình. Để thiếu điện nhiều năm liên tục và sắp tới lại thiếu điện nữa, tôi xin hỏi Chính phủ ai là người phải chịu trách nhiệm chính?
Tôi đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, báo cáo trước Quốc hội để nếu còn gì vướng mắc thì Quốc hội, Chính phủ tập trung xem xét, tháo gỡ để sớm khắc phục tình trạng thiếu điện, đáp ứng nhu cầu, năng lực của nền kinh tế đất nước.
Thứ hai, về nông nghiệp phục vụ nông thôn. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri phàn nàn đã kiến nghị nhiều về tình trạng các loại giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng, gây thất thiệt cho nhà nông nhưng đến nay vẫn chưa được ngăn chặn. Việc phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng gia tăng, theo lý giải của Cục Bảo vệ thực vật là do có quá nhiều cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh nên các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý và giám sát.
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã có giải pháp và chế tài gì để ngăn chặn, xử lý trách nhiệm những đơn vị, cá nhân vi phạm, hay chỉ phạt rồi cho tồn tại. Hoặc có những lúc phải bó tay cứ để mặc cho kiến nghị của cử tri luôn giữ nguyên giá trị năm này qua năm khác.
Thứ ba, về giáo dục, đào tạo, đạo đức lối sống và dư luận xã hội qua các kỳ họp của Quốc hội. Ngành giáo dục đào tạo phát động rộng khắp "phong trào hai không" đến nay không biết đã đi đến đâu, về đâu mà kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học vừa qua tăng vọt đến bất ngờ, làm đau đầu nhiều người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà, bởi không hiểu thật hay giả. Người trong cuộc cho rằng kỳ thi diễn ra bình thường, an toàn, nghiêm túc. Còn dư luận khẳng định đỗ cao là do đề thi quá dễ, đáp án càng dễ và kỷ luật phòng thi lỏng lẻo. Trong khi đó đề án "hai trong một" có đến chục lần được chỉnh sửa, tốn kém không biết bao nhiêu công sức giấy tờ, nhưng phải hoãn đi, hoãn lại nhiều lần. Tuy nhiên như lời một vị Thứ trưởng của Bộ thì không biết đến bao giờ mới được thực hiện, vì người khởi xướng ra nó đã về hưu hoặc chuyển công tác khác.
Kính thưa Quốc hội,
Cuộc vận động "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã được triển khai bốn năm trên phạm vi cả nước, nhưng kết quả làm theo lời Bác chưa được nhiều, trái lại có một số vấn đề bức xúc như chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, lãng phí, tư lợi, đạo đức xuống cấp trong một bộ phận cán bộ công chức ngày càng có biểu hiện tinh vi, phức tạp.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XII, có một số vị lãnh đạo Chính phủ cho rằng cứ sai là chặt chém kỷ luật hết thì lấy ai làm việc và bầu sao cho kịp. Hay chất lượng giáo dục như hôm nay, các Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 1975 đến nay cùng chịu trách nhiệm đã không đón nhận được sự đồng tình của cử tri và đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, sau Kỳ họp thứ 7, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã ra Thông báo số 32 đề nghị xem xét, xử lý một số cán bộ cao cấp, đã góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân trước thềm Đại hội XI của Đảng.
Xin trân trọng cám ơn.
Phát biểu của đại biểu Phạm Thị Loan
Kính thưa Quốc hội,
Về tình hình kinh tế – xã hội năm 2010 và nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2011 tôi cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ. Tôi xin đóng góp một số ý kiến sau:
Một, tình hình kinh tế vĩ mô. Theo Báo cáo của Chính phủ thì tăng trưởng GDP năm 2010 khoảng 6,7% cao hơn dự kiến của Quốc hội đưa ra. Tuy nhiên cử tri còn nghi ngờ về các số liệu báo cáo tăng trưởng này, vì nếu theo dõi các báo cáo Đại hội Đảng của các tỉnh thì con số các tỉnh báo cáo tăng trưởng của các tỉnh từ 12 – 15%. Cử tri lo lắng về tình trạng chạy đua tăng trưởng về số mà thiếu quan tâm tăng trưởng về chất và tính bền vững của sự phát triển.
Thực tế cho thấy việc nhập siêu năm 2009 là 12,92 tỷ, dự kiến năm 2010 thâm hụt mậu dịch khoảng 13 tỷ đôla, giá vàng tăng trong năm khoảng 20 đến 25%, tỷ giá hối đoái chênh lệch tỷ giá đang là nỗi bức xúc của doanh nghiệp. Lãi suất ngân hàng đứng vào hàng cao nhất trên thế giới, lạm phát cao, chỉ số giá tiêu dùng cao, ICO vẫn chưa được cải thiện, nhập siêu từ Trung Quốc rất cao, chiếm 90% nhập siêu của cả nước, nhưng Chính phủ vẫn chưa có biện pháp để cân đối, trong khi đó vẫn đang mở rộng cửa cho hàng hóa và những dự án EPC mà trong nước có đủ khả năng làm dành cho các doanh nghiệp của Trung Quốc thực hiện.
Việc hạn chế quotar nhập khẩu vàng và để giá vàng tăng cao, để cho thị trường tự do thản nhiên thao túng nhập lậu vàng qua biên giới gây tác động xấu đến tỷ giá ngoại tệ. Sự khan hiếm ngoại tệ ảnh hưởng đến cả thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Nhưng trong kế hoạch năm 2011 và kể cả định hướng chiến lược những năm tiếp theo chúng tôi chưa thấy đưa ra được biện pháp thực sự hữu hiệu nào. Vậy Chính phủ sẽ làm gì cho xã hội và kinh tế Việt Nam cân bằng và phát triển bền vững?
Vấn đề thứ hai là vấn đề quản lý Nhà nước và trách nhiệm cuối cùng của ai trong việc quản lý kinh tế Nhà nước. Vừa qua theo Báo cáo của Chính phủ và thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng ai cũng thấy được sự thật về Vinashin, đó là sản phẩm của việc thí điểm tập đoàn kinh tế Nhà nước. Vấn đề tôi muốn nêu ra ở đây là ai sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc để Vinashin rơi vào tình trạng như vậy. Trách nhiệm của Thủ tướng, của Chính phủ và các Bộ, ngành, cá nhân liên quan như thế nào? Theo tôi không thể nói một cách đơn giản là do các cán bộ lãnh đạo của Tập đoàn Vinashin, một mình Vinashin không thể làm sai luật được.
Chúng tôi tự hỏi ai đã cho phép Vinashin phát hành trái phiếu với lượng tiền lớn như vậy? Ai đã cho phép Vinashin vay vượt hạn mức quy định của một khách hàng theo quy định của luật là 15% vốn điều lệ của ngân hàng. Ai đã để Vinashin đầu tư tràn lan như vậy? Và đặc biệt là tại sao đã có 11 đoàn vào kiểm tra, giám sát nhưng vẫn không phát hiện ra sai phạm? Và tại sao Quốc hội đã có quyết định đưa Vinashin vào danh sách giám sát từ năm 2009 nhưng Chính phủ vẫn đề nghị để hoãn lại, cho Thanh tra Chính phủ làm việc trước và cho đến bây giờ Kiểm toán Nhà nước của Quốc hội vẫn chưa vào kiểm toán được. Vậy tại sao Thanh tra Chính phủ vẫn không phát hiện ra điều gì. Vậy tất cả những việc đó là xuất phát từ mục đích gì? Trách nhiệm thuộc về ai?
Trong Điểm c, Khoản 1, Điều 168, Luật doanh nghiệp qui định tách việc chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính Nhà nước. Nhưng trong thực tế Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty SCIC. Thứ trưởng Bộ Công thương làm Chủ tịch tập đoàn TKV và Thủ tướng thì đang trực tiếp quản lý 19 tập đoàn Tổng công ty Nhà nước 90 – 91.
Theo tôi được biết với việc Thủ tướng đang trực tiếp quản lý 19 tập đoàn Tổng công ty Nhà nước như vậy, các tập đoàn Tổng công ty Nhà nước này làm ăn thua lỗ thì trách nhiệm của Thủ tướng như thế nào? Tại sao Thủ tướng vẫn trăm công nghìn việc điều hành chung đất nước mà lại còn trực tiếp quản lý, điều hành các tập đoàn Tổng công ty này. Tại sao không ban hành cơ chế điều hành chung để họ hoạt động theo pháp luật.
Đặc biệt tại Khoản 3, Điều 168, Luật doanh nghiệp qui định: định kỳ hàng năm Chính phủ trình Quốc hội báo cáo tổng hợp về thực trạng kinh doanh vốn chủ sở hữu Nhà nước. Thực trạng bảo toàn và phát triển giá trị vốn đầu tư và tài sản sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng nhiều năm nay Quốc hội chưa nhìn thấy có bản báo cáo nào trình Quốc hội từ phía Chính phủ theo như qui định nêu trên. Vậy việc không tuân thủ pháp luật để gây hậu quả nghiêm trọng như vụ Vinashin thì trách nhiệm cuối cùng sẽ thuộc về ai?
Tôi đồng tình với các ý kiến trước tôi về việc phải qui trách nhiệm đến cùng và đặc biệt Quốc hội, Đảng cần phải làm rõ trách nhiệm của những người quản lý Nhà nước. Theo tôi nghĩ những người làm sai cũng cần phải có một lời xin lỗi với nhân dân và có lẽ là cũng nên nghĩ đến văn hóa từ chức để nhân dân còn có lòng tin với lãnh đạo Nhà nước và với Đảng.
Vấn đề thứ ba là vấn đề chiến lược về năng lượng của Chính phủ như thế nào. Vừa qua khắp nơi nhân dân kêu thiếu điện, cắt điện tùy tiện không đúng Luật Điện lực, EVN kêu thiếu vốn, thủy điện thiếu nguồn nước để phát điện, EVN kêu lỗ vốn trong năm hơn 6.000 tỷ Việt Nam đồng, giá mua điện cao hơn giá bán, các nhà đầu tư điện ngoài EVN kêu khó ký hợp đồng bán điện cho EVN, có hợp đồng bán rồi thì có được phép lên lưới hay không, lại phải xin – cho. Trong khi đó các nhà máy nhiệt điện lớn do Trung Quốc làm EPC chạy không ổn định, tốn nhiều than, công nghệ sử dụng than không phù hợp với loại than trong nước sản xuất được.
Về thủy điện thì các nhà thầu EPC từ Trung Quốc chiếm đến 90% các dự án EPC về điện và ta đang phải phụ thuộc họ về vấn đề hậu mãi, phụ tùng, phụ kiện trong vận hành. Mặt khác Trung Quốc đang kiểm soát nguồn nước thượng nguồn, lúc khô họ có thể giữ nước, lúc lũ lụt họ có thể xả nước gây nguy cơ cho ta. Gần đây họ đang chuẩn bị xây nhà máy điện hạt nhân gần biên giới của ta với mục tiêu sẽ bán điện cho ta và thực tế hiện nay ta đang phải mua điện của họ với giá cao hơn giá mua điện trong nước. Vậy rõ ràng đang có nguy cơ ta sẽ bị phụ thuộc vào nguồn điện của Trung Quốc và nếu vậy thì an ninh năng lượng có nguy cơ bị hệ lụy vì sự phụ thuộc này.
Tôi xin có ý kiến về 3 vấn đề nêu trên, xin cảm ơn Quốc hội.
Nguồn : Trên NET
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét