Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

12 thg 11, 2010

Tiền hành, người hành rồi lại...tiền hành!


Sự cố bùn đỏ ở Cao Bằng, chuyện xét phong học hàm GS, Phó GS và căn bệnh tiền hành...là chủ đề chính của Phát ngôn và Hành động tuần này gửi tới bạn đọc những suy ngẫm buồn về chữ tiền, chữ tâm, chữ đức của con người gắn với sự phát triển của quốc gia.



Bùn đỏ...tâm có đen?
Chưa kịp tĩnh tâm sau sự cố bùn đỏ bô xít ở Hungary khiến không ít quốc gia bất an, ngày 8-11, SGTT đưa tin "Lũ bùn của TKV ập xuống Cao bằng" khiến xã hội cực kỳ lo ngại.
Cơn lũ bùn là do đập chắn nước thải rửa quặng của Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng, thuộc Công ty khoáng sản luyện kim Cao Bằng (Tập đoàn Than- khoáng sản VN) đã bị vỡ, kéo theo hàng ngàn khối bùn đất từ thượng nguồn đổ xuống.
Cho dù theo các chuyên gia, bùn đỏ ở Cao Bằng là loại bùn đất tuy cũng có màu đỏ, nhưng thuật ngữ chuyên môn gọi là bùn thải đuôi quặng, không độc đến như bùn đỏ do khai thác bô xít. Thế nhưng, hậu quả của nó để lại vẫn hết sức nguy hiểm. Hàng ngàn mét khối bùn tràn ngập nhà cửa và đồng ruộng của dân.
Đem lũ bùn đi đâu và thu gom chúng bằng cách nào, bởi nếu không ô nhiễm chỗ này, thì sẽ ô nhiễm chỗ khác. Ở đâu cũng là người dân phải hứng chịu cả.
Trước chứng cứ "bùn đỏ cũng biết nói năng", xí nghiệp này đã phải thừa nhận, do bờ đập được xây dựng từ năm 2005 nhưng không được gia cố lu lèn cẩn thận nên móng đập đã bị thủng.
Tuy nhiên, thông tin khác cho hay, đập bị vỡ do dưới đáy đập có một cống lớn, thực chất là dùng để xả thải trộm mỗi khi có mưa lũ hàng năm. Lượng bùn đất trong đập sẽ theo mưa lũ cuốn ra sông Bằng và con sông này sẽ cuốn đi mọi chứng cứ.

Được biết, xí nghiệp này đã bị xử phạt 70 triệu đồng vì có hành vi xả thải trộm, không phải chỉ 1 lần mà tới 4 lần. Chính quyền biết không? Biết. Nhưng xả trộm vẫn hoàn xả trộm. Như trên đời này thích thú nhất là xả trộm !). Đến nỗi, tại kỳ họp Quốc hội năm nay, Phó Trưởng đoàn đại biểu QH của tỉnh, ông Triệu Sỹ Lầu phải nói thẳng, để xảy ra lũ bùn, một phần do cơ quan quản lý làm chưa hết trách nhiệm còn doanh nghiệp chỉ nghĩ đến lợi nhuận - "sống chết mặc bay, tiền xí nghiệp ông bỏ túi".

Câu chuyện bùn đỏ cuốn ra sông Bằng, khiến mọi người nhớ ngay đến vụ ô nhiễm sông Thị Vải (Đồng Nai) do Công ty Vedan xả trộm nước thải công nghiệp, đã từng làm bừng bừng phẫn nộ cả xã hội. Nhưng Vedan là công ty xứ người, có thể khác máu tanh lòng, vì lợi nhuận bất chấp sức khỏe, sinh mệnh người dân Việt. Còn đây, xí nghiệp Việt, tập đoàn Việt, người cũng người Việt máu đỏ da vàng, mà sao lại bất chấp cả sinh mệnh, sức khỏe lẫn cuộc sống vốn nghèo khó của người dân?
Bùn thì đỏ, máu cũng đỏ mà tâm lại đen, còn nước mắt khổ đau của người dân thì mặn đắng.
Nghĩ trộm - chứ không phải xả trộm đâu nhá - nếu nay mai, 2 nhà máy khai thác bô xít ở Tây Nguyên hoạt động, và với cung cách "cơ quan quản lý làm chưa hết trách nhiệm còn doanh nghiệp chỉ nghĩ đến lợi nhuận" thì sẽ ra sao nhỉ? Chả dám nghĩ tiếp...

Người Việt mình giống mọi dân tộc văn minh trên thế giới là chỉ sống với người mình yêu thương - một vợ một chồng. Đó là luật định.
Nhưng khác với các dân tộc văn minh khác, người Việt mình phải sống chung với nhiều thứ quá, toàn những thứ đáng sợ, đáng ghét: Sống chung với rác, sống chung với lũ, sống chung với bụi, sống chung với kẹt xe, và nay, sống chung với bùn đỏ.
Và đáng sợ nhất, đau khổ nhất là phải sống chung với sự quan liêu, sự vô cảm, sự ích kỷ của những người nhân danh có trách nhiệm.
Hay những thứ chung đó đã thành đặc thù riêng xã hội này?
Thế thì người dân biết trách ai đây? Hay chỉ biết trách phận?




Sát thủ" giữa Thủ đô
Những tưởng câu chuyện con đường 19-12 (Hà Nội), sau những tranh cãi quyết liệt vì lợi ích kinh doanh đã lắng xuống và yên ả, bỗng có một ngày, lại bùng lên một câu chuyện đáng phẫn nộ: Cây bồ đề vô tội trăm tuổi, vốn đứng cạnh bức tường của Công ty TNHH Thủ đô II, tại con đường này bỗng bị bứng đi không lý do.
Không biết có phải cây xanh vốn không biết nói mà người ta cho sống được sống, cho chết được chết không? Nhầm. Ở nhiều quốc gia, việc quản lý cây xanh chặt chẽ đến mức, mỗi cây xanh đều được đánh số - con người có số, thì cây xanh cũng có số. Cây xanh không biết nói, nhưng những quy định nói lời của pháp luật: Muốn bứng cây phải có đơn xin phép, có đầy đủ thủ tục theo luật định.
Còn ở ta thì sao?
Sau những ồn ào tốn biết bao bút mực báo chí, các cơ quan chức năng vào cuộc mới phát hiện, thủ phạm vụ "sát thủ' ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật này, giữa ngay con đường tâm linh, nơi từng chôn biết bao chiến sĩ cách mạng và người dân vô tội trong cuộc kháng chiến chống Pháp, vẫn là Công ty TNHH Thủ đô II.

Không hiểu cụ bồ đề trăm tuổi hiền hậu, lặng lẽ đứng nơi này đắc tội gì mà bị họ thâm thù đến độ xâm hại nặng nề, cưa chặt đến không còn một cái lá nào, rồi mang đến một bãi đất tận phường Tứ Liên (Tây Hồ) vứt lăn lóc cho hả. Cũng không hiểu vì sao một cái cây cổ thụ to đến thế, mà ngang nhiên bị bứng, qua mặt chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng quản lý về môi trường đô thị. Người nào, cơ quan nào, đơn vị nào đã nối giáo cho công ty để họ dám làm một việc to gan đến thế?

"Ai đứng sau vụ bứng trộm cây bồ đề cổ thụ?" là câu hỏi gay gắt của người dân Hà Nội được tải trên báo Dân trí, ngày 5-11 mới đây. Có những người dân đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy cây bồ đề, được phát hiện, nay chỉ là khúc gỗ bị bầm dập đến xơ xác. Công ty TNHH Thủ đô II thản nhiên chặt cây và ngang nhiên chém luôn pháp luật.
Đáng chú ý, trong buổi làm việc với các cơ quan chức năng, đại diện Công ty cây xanh và Thanh tra hạ tầng kỹ thuật đô thị đều khẳng định, sẽ đưa cây về Vườn ươm Cầu Diễn để chăm sóc một thời gian trước khi mang trồng lại tại chợ 19-12. Khi xe cẩu và xe tải đã sẵn sàng, đột ngột địa điểm cây đến được thay đổi, đó là trở về chợ 19-12.

Việc bất ngờ thay đổi địa điểm chăm sóc cây khiến nhiều người ngay lập tức nghi ngờ- thời buổi này là thời buổi hoài nghi lên ngôi: Cây bồ đề đang cần cấp cứu trong môi trường Vườn ươm mới có thể sống được, tại sao lại chuyển về vị trí cũ. Phải chăng, người ta muốn trồng lại chỗ cũ để cây chết rồi nhổ đi một cách dễ dàng hơn?
Và kiến nghị, nếu cây chết, Công ty TNHH Thủ đô II, và những ai ai, đơn vị nào đứng sau vụ này, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật!
Đương nhiên. Đó là kiến nghị của lòng dân. Chứ không thể chỉ có chuyện phạt tiền 12,5 triệu như công ty này đã ký nộp khi vụ việc bị phát hiện.
Bởi câu chuyện bức tử một cây bồ đề hơn trăm tuổi đâu phải nhỏ. Nó cho thấy sự ích kỉ trước lợi ích riêng, trước đồng tiền đã khiến con người ta giờ đây có thể tự tin và càn rỡ - xin lỗi phải dùng cụm từ này - "dắt mũi" các cơ quan chức năng.
Nhưng nó cũng là vết đen trong lý lịch hoạt động doanh thương. Thương trường là chiến trường. Làm ăn với một doanh nghiệp đang tâm sát hại cả một cái cây vô tội - một hành động rất phi văn hóa - thì đối tác nào cũng sẽ phải cẩn thận, nếu không muốn có số phận... bồ đề!



Người hành...
Ngày 28-10, ViêtNamNet đăng bài viết "Einstein xin phong GS ở Việt Nam cũng trượt!", nói về một thực trạng kín đáo - tưởng như rất công bằng, khách quan trong việc bầu bán học hàm GS, Phó GS- nhưng thực chất lại có những sự hiềm tị, nhỏ nhen, được sử dụng theo chiến thuật ném đá giấu tay trong các hội đồng xét duyệt của các thành viên mũ cao áo dài đáng kính. Đến mức người viết - một bậc nam nhi muốn cười mà khóe mắt lại cay cay(!)
Theo tác giả, nền khoa học và giáo dục của nước ta hiện nay đang yếu kém, thực chất, chúng ta vẫn thiếu nhiều những người trình độ cao, có học hàm GS, PGS.
Còn những con số trăm, số ngàn GS, PGS lại nói lên một vấn đề khác, dù tiêu chuẩn đề ra để xét phong có vẻ cao (nào là ngoại ngữ, công trình khoa học, nào là các tiêu chuẩn về đạo đức, chính trị...), cho đến quy chế, quy trình xét duyệt, kiểm tra, bỏ phiếu kín xem ra cũng rất chặt chẽ và nghiêm túc.

Ấy thế mà có những GS, PGS trình độ rất đáng nghi ngờ, rõ nhất là ngoại ngữ. Ngược lại, có một số người rất giỏi, thực sự có uy tín khoa học nhưng lại không được phong GS, PGS.
Như vậy vấn đề nằm ở đâu? Hay nó nằm kín đáo ở chỗ các thành viên của những Hội đồng xét duyệt đang ngồi?
Thực tế, cũng có những GS, PGS đã phải đỏ mặt thú nhận buộc phải đến nhà vị nọ, vị kia, để chạy vạy, thấp thỏm như học trò đi thi. Mà đối với những người trí thức có nhân cách, điều đó có gì đau đớn lắm, tổn thương lắm. Bởi học hàm GS, Phó GS vẫn là một tiêu chí liên quan mật thiết đến công việc giảng dạy, nhất là nghiên cứu khoa học của họ.
Hiện tượng đó thật ra không lạ. Bởi tại "cái nước Việt mình nó thế" (GS Hoàng Ngọc Hiến).
Nhưng lạ nhất là sự đóng kịch khi màn bỏ phiếu kết thúc. Có những thành viên Hội đồng còn trở thành kịch sĩ hoàn hảo khi một ứng viên xứng đáng được phong hàm GS, có uy tín hơn hẳn một vài thành viên Hội đồng xét duyệt, nhưng 2 năm liền đều bị đánh trượt. Các bác kêu lên, đầy ngạc nhiên: "Ơ, tại sao lại thế nhỉ?!".
Đến lượt xã hội phải ngạc nhiên, kêu lên với các bác: "Ơ, tại sao lại thế nhỉ?".
Vì các bác là trí thức có tên tuổi, có địa vị, mũ cao áo dài, và thường hay nói về những cái cao sang, những cái lớn lao, nhưng lại hành xử với nhau hơi nhiều tiểu xảo. Cái lá phiếu bầu bán nhiều hội đồng đã không còn mang ý nghĩa tiêu chí và uy tín khoa học, mà nó lại tùy thuộc vào sự yêu ghét, hiềm tị, thậm chí xấu chơi giữa cá nhân với cá nhân, giữa ngừơi có thẩm quyền với người xin xét duyệt.

Người viết bài này, xin được trích lại câu đã viết trong một bài báo trước đây rằng, ở ta, mất đoàn kết nhất là trí thức, rồi mới đến đàn bà! (trong trường hợp này, hàm chứa ý nghĩa giữa các trí thức với nhau không muốn ai hơn mình, hoặc được như mình).
Một đất nước phát triển mạnh hay yếu tùy thuộc vào sự vượng hay suy của kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục...vào các giá trị tinh hoa của đất nước đó. Các giá trị tinh hoa do chính tầng lớp trí thức góp phần không nhỏ. Thế nhưng nếu đến "Einstein xin phong GS ở Việt Nam cũng trượt" thì mới hiểu vì sao người Việt thông minh, nhưng nước Việt lại chậm lớn.


Người với người, sống để yêu nhau, như một nhà thơ đã viết hay người với người sống để hành nhau?
Người lớn đã hành nhau, đến lượt trẻ nhỏ cũng bị hành. Hơn nữa, còn bị hành dã man và thô bạo.
Nói điều đó để nhắc lại vụ việc làm chấn thương tâm lý xã hội, chấn thương sâu sắc tâm lý các bậc cha mẹ. Đó là câu chuyện cô giáo Trần Thị Xuân Nữ (t/p Hồ Chí Minh) phạt bé Lê Quang Vinh, mới 4 tuổi, nhốt vào thang máy chở hàng chạy lên chạy xuống, khi bé nghịch ngợm không chịu ăn, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, khiến xã hội hết sức phẫn nộ. Nhất là khi nhìn thấy hình ảnh bé Vinh băng bó, thương tích chi chít khắp người
Trước đó là nhiều vụ việc khác: Bảo mẫu Lê Vy dán băng keo vào miệng cháu bé Bảo Trân mới 2 tuổi khiến bé đã không sống được; bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa, đánh đập trẻ dã man, phải chịu án tù....Cả xã hội cứ sững sờ, run rẩy và phẫn nộ hết vụ việc này đến vụ việc khác về các bảo mẫu - những bà mẹ bất nhân- mà nạn nhân là những đứa bé, đến đi ị, đi tè còn chưa biết tự thân.
Vì sao, những cô bảo mẫu, cô giáo mầm non, biểu tượng của phái yếu, phái đẹp, biểu tượng của sự dịu dàng và lòng nhân lại có thể có những hành vi tàn nhẫn không thể hiểu nổi.
Chuyện cô mẫu giáo Trần Thị Xuân Nữ còn chưa rõ phần kết, thì mới đây, một vụ việc khác lại vỡ ra, lại tiếp tục làm đau lòng xã hội: 4 em bé trai ở Nhà mở thuộc Tỉnh đoàn Đồng Nai tuổi mới lên 4,5,6 và 13, liên tục bị đánh đập tàn nhẫn, dã man đã phải bỏ trốn, khắp người đầy thương tích. Các em sống thiếu thốn đã đành. Các em còn không tìm thấy cả sự nương tựa cho chính tâm hồn bất hạnh của một đứa bé trong cái gọi là Nhà mở đó, cái nhà mà nhà văn Nguyễn Quang Lập đã phải đặt câu hỏi: Nhà mở hay Địa ngục?
Có rất nhiều lý giải: Vì tiền lương thấp, vì lao động nuôi dạy trẻ khó nhọc, vì những áp lực đời sống, vì trẻ nhỏ vốn hiếu động, nghịch ngợm, khó bảo...Tất cả đều đúng. Nhưng theo người viết bài này, có một nguyên nhân rất căn bản. Đó là con người trong cuộc sống hiện đại này, trước những bất công xã hội, trước những xô bồ hỗn tạp, những thay đổi, xáo trộn các thang bậc giá trị đến bất an, dường như họ càng trở nên vừa trục lợi vừa vô cảm.
Người lớn trục lợi bằng những đứa trẻ, nhưng lại vô cảm với chúng. Đó mới là điều táng tận. Đến lượt những đứa trẻ, còn bé thơ đã phải sống chung với sự vô cảm, sự táng tận của các chú, các cô, các bác...Lớn lên, làm sao chúng thành người biết đau nỗi đau của người khác đây?
Với một cô giáo trẻ, có tuổi nghề 10 năm như cô Trần Thị Xuân Nữ, đó là thất bại đau đớn đầu tiên trong đời dạy học. Với các cán bộ Nhà mở Đồng Nai, sự biện minh về phía nào cũng rất khó có đựơc sự thông cảm từ xã hội. Vụ việc còn đang tiếp tục được các cơ quan chức năng vào cuộc. Nhưng những bi kịch của các em bé, chính là nỗi buồn bi thảm của ngành giáo dục, của xã hội, của lương tâm mỗi người lớn chúng ta.



..Và tiền hành

Nổi lên trong tuần qua, là chủ đề cải cách hành chính được thảo luận tại nghị trường Quốc hội. Chủ trương này được tung ra 10 năm rồi, nhưng triển khai thực sự mới được 2 năm. Cái kết quả khá hẻo đó cho thấy vật cản thầm lặng của cuộc cải cách này không nhỏ tí nào. Vì hình như, nó nằm ở lòng người, chứ không thuần túy là ở cơ chế.
Ngày 14- 10 mới đây, trong bài viết "Cứ lót tay, việc mới chạy" VietNamNet đưa tin kết quả ban đầu của khảo sát trực tuyến về cải cách hành chính do UNDP phối hợp với VietNamNet thực hiện cho thấy, gần 70% người dân (của gần 1500 người ở 63 tỉnh, thành phố cả nước tham gia) đã trả lời rằng họ phải đưa thêm tiền mới giải quyết được công việc liên quan đến thủ tục hành chính.
Một người dân ở Long An cho rằng bí quyết thành công để giải quyết công việc của mình là "xin số điện thoại của cán bộ để có cớ gặp riêng, giấy tờ kiểu gì cũng sai, nếu không có phong bì nằm gọn trong hồ sơ".
Nhưng đôi khi, phong bì rồi mà vẫn chưa xong việc.
Một người dân khác cho biết: "Mỗi lần đến lại phát sinh thêm chuyện thiếu giấy tờ. Sau khi đưa thêm phong bì thì được nhận hồ sơ và hẹn tuần sau sẽ gọi lại. Nhưng đợi tuần sau gọi lại thì hẹn sẽ kiểm tra lại hồ sơ...".
Không hẹn mà gặp, tại kỳ họp QH, ý kiến của nhiều đại biểu đã phải nói thẳng, nếu "rải phong bì, công chức đến tận nhà phục vụ".

Nói phong bì, thực chất là nói đến tiền.
Dân gian hiện đại đã có một bài tổng kết chí lý một thời người Hà Nội rất thích đọc, như đồng dao:
"Tiền là Tiên là Phật/
là sức bật tuổi trẻ/
là sức khỏe tuổi già/
là đà cho danh vọng/
là lọng của nịnh thần/
là cán cân công lý.
Tiền là hết ý" .
Còn với cái thực trạng hành chính hiện nay của xã hội, thì tiền được gọi là chất bôi trơn. Bôi trơn, làm công việc của cá nhân con người có thể chạy nhanh hơn. Nhưng lạ thay, chất bôi trơn ấy làm tê liệt sự văn minh một bộ máy, làm mất niềm tin của người dân vào một thể chế quản lý xã hội. Bởi nó tạo ra một tệ nạn xã hội còn đáng sợ hơn các tệ nạn xã hội khác. Đó là tôi, anh, chị, chúng ta, chúng tôi, các anh, các chị...đều có thể là kẻ hối lộ, kẻ ăn hối lộ, kẻ ăn tiền. Chúng ta hành nhau, nhưng thực chất là bị ...tiền hành.



Một bộ máy quản lý mà tệ nạn xã hội nằm ngay trong bản thân mình, như một trọng bệnh, thì xã hội đó, quốc gia đó có khỏe được không? Câu hỏi này ai cũng có thể trả lời được.
Nhưng chẩn được bệnh mà không bốc được thuốc. Hoặc có bốc thuốc thì bệnh vẫn không thuyên giảm. Đó chính là cái khó của cải cách hành chính hiện nay, khi cả xã hội chúng ta, đều đang bị bệnh tiền hành.
Tiền không chỉ hành. Có khi nó còn biến thành vũ khí, bắn chết cả sinh mệnh chính trị, cả thanh danh không ít cán bộ. Vụ PMU 18, vụ Năm Cam, vụ Huỳnh Ngọc Sĩ đó, và còn những vụ nào chưa bị lộ?

Nhiều ý kiến đại biểu QH cho rằng phải ưu tiên cải cách tiền lương cho đội ngũ cán bộ làm việc ở các cơ quan dính dáng thủ tục hành chính. Đúng, nhưng chưa đủ.
Căn bệnh tiền hành này cần một thang thuốc tổng thể hơn thế. Đó là phải tách những dịch vụ công hiện nay đang do cơ quan nhà nước cung ứng, chuyển sang cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ đảm nhiệm.
Không thể thiếu những giải pháp khác liên quan đến công nghệ như cơ chế một cửa, triển khai các ứng dụng về công nghệ thông tin...

Nhưng vấn đề là lòng người.


Chợt nhớ đến một thông tin mới đấy nhất liên quan đến HDI- chỉ số phát triển con người, nói nôm na là chất lượng cuộc sống của một quốc gia. Thông tin cho biết Việt Nam đứng thứ 113 về chỉ số phát triển con người - mức xếp hạng trung bình và không cải thiện so với năm trước. Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) đặt câu hỏi về sự dẫm chân này. Trong khi Lào, một quốc gia láng giềng, lọt vào danh sách các nước tiến bộ nhất.
Cả xã hội mắc bệnh tiền hành, mà chỉ số HDI vẫn không tiến bộ. Liệu điều đó có đáng để ta động lòng suy ngẫm không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét