Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

1 thg 11, 2010

NGHI VẤN BAO CHE TRONG VỤ VINASHIN


Đại biểu Quốc hội đặt nghi vấn bao che trong vụ Vinashin
Buổi thảo luận về kinh tế xã hội sáng nay có sự tham gia của Thủ tướng và nhiều bộ trưởng, nhưng các đại biểu không ngại ngần đề nghị Quốc hội truy rõ hơn trách nhiệm các thành viên Chính phủ về Vinashin.
Câu chuyện Vinashin tiếp tục nóng bỏng khi Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay trong đó nợ thực của tập đoàn này là một dấu hỏi lớn được các đại biểu xoáy sâu trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng nay.


Đại biểu Bùi Văn Tỉnh (Hòa Bình) thắc mắc về chênh lệch số liệu nợ của Vinashin do Chính phủ công bố với kết quả được kiểm toán độc lập đưa ra. Theo đó, Chính phủ khẳng định nợ của Vinashin hiện khoảng 86.000 tỷ đồng (tương đương hơn 4 tỷ USD) nhưng kết quả kiểm toán độc lập lại cao hơn con số trên khoảng 10.000 tỷ đồng.

Đại biểu Tỉnh cho rằng, đây là một con số đáng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tổng nợ quốc gia mà theo ông, “đã tiệm cận mức không an toàn”.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại hội trường Quốc hội.Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết thậm chí còn đưa ra con số nợ cao hơn, tới 120.000 tỷ đồng mà theo ông nó khiến một tỉnh có thu nhập 1.000 tỷ đồng một năm phải phải làm quần quật, nhịn ăn nhịn mặc trong hơn thế kỷ mới trả hết.
Là đại biểu kinh qua nhiều kỳ Quốc hội, ông Thuyết ví von vụ Vinashin còn nghiêm trọng hơn vụ tham ô Lã Thị Kim Oanh - giám đốc một doanh nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhiều năm trước.
"Để xảy ra chuyện tham ô của Lã Thị Kim Oanh, một vị bộ trưởng được lòng dân đã xin từ chức, hai thứ trưởng đứng trước vành móng ngựa.

Vinashin là một kiểu Lã Thị Kim Oanh phóng đại tới 1.000 lần. Đề nghị Quốc hội thành lập ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, bỏ phiếu tín nhiệm với Thủ tướng vào cuối kỳ họp và tạm đình chỉ những đồng chí thuộc diện điều tra.
Nói những điều trên tôi cực kỳ đau lòng. Nhưng đề nghị khẩn trương xem xét", ông Thuyết thẳng thắn nêu điều này, cho dù buổi thảo luận sáng nay có sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhiều bộ trưởng.

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cũng tán thành quan điểm của ông Thuyết khi đề nghị Quốc hội lập ủy ban điều tra trách nhiệm các thành viên Chính phủ trong vụ Vinashin. Bởi theo ông, trong giai đoạn 2006 - 2009, có 11 đoàn thanh tra đến làm việc tại Vinashin nhưng không phát hiện được sai phạm, để đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì mới “ra vấn đề”. Đại biểu Cuông cho rằng, dẫn đến tình trạng này, nhất định có dấu hiệu “bao che, nuông chiều” của các cơ quan chức năng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau tuần làm việc bận rộn với Hội nghị cấp cao ASEAN sáng nay cũng tham dự buổi thảo luận của Quốc hội. Ông lắng nghe chăm chú các tham luận của đại biểu, kể cả những phát biểu gay gắt của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết và đại biểu Lê Văn Cuông.

Phân tích dưới góc độ pháp lý, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng một mình Vinashin không thể làm trái pháp luật: “Ai là người cho phép Vinashin phát hành trái phiếu với khối lượng lớn? Ai cho phép họ phá luật, vay quá 15% vốn điều lệ ngân hàng?”, đại biểu Loan đặt câu hỏi.

Đánh giá cao việc Chính phủ đã đứng ra nhận trách nhiệm trong vụ Vinashin, nhưng theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, việc nhận trách nhiệm này còn tương đối chung chung, chưa truy được đến cùng.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) thì cho rằng, Chình phủ cần có một lời đáp thỏa đáng hơn nữa về vấn đề Vinashin trước Quốc hội và nhân dân: “Câu hỏi này tuy khó, nhưng nhất định phải trả lời”, đại biểu Đáng khẳng định.

Một vấn đề khác cũng được các đại biểu đặt ra trong phiên thảo luận sáng nay là yếu kém trong quy hoạch. Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nêu câu chuyện của ngành xi măng và thép ra làm ví dụ. Trong hơn 10 năm, Bộ Xây dựng phải trình Thủ tướng 4 lần điều chỉnh quy hoạch ngành xi măng, vì vỡ quy hoạch, cung vượt cầu. Nguồn xi măng năm 2010 vượt cầu 3 triệu tấn, dự kiến năm sau sẽ có 7 triệu tấn dư thừa và con số này sẽ là 15 triệu tấn vào năm 2012.
Quy hoạch ngành thép cũng có nguy cơ đổ bể, do nhiều địa phương xé rào quy hoạch. Đến cuối năm 2009 đầu năm 2010, tổng công suất thép cả nước lên tới 20 triệu tấn mỗi năm trong khi nhu cầu trong nước chỉ dừng ở 11,5 triệu tấn.

"Một tỉnh miền Đông Nam bộ có tới 18 dự án thép thì 9 dự án nằm ngoài quy hoạch. Các nhà máy này ngang nhiên xài tới 60% sản lượng điện cả tỉnh. Ngành điện hụt hơi vì ngành thép, các ngành công nghiệp khác và các khu dân cư cũng bị vạ lây do cắt điện, bởi sự bành trướng thái quá trong quy hoạch ngành thép. Tỉnh này đang rơi vào tình trạng thiếu điện, thừa ô nhiễm và đánh mất dần lợi thế do thiên nhiên ban tặng của một thành phố du lịch biển đẹp vào bậc nhất miền Đông Nam bộ", ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, có một nghịch lý đang diễn ra là trong khi nhiều ngành công nghiệp là nạn nhân của ngành điện thì đến lượt mình, điện lại là nạn nhân của các ngành công nghiệp khác.

Quy hoạch điện có nguy cơ vỡ do thiếu than. Mỗi năm ngành công nghiệp than đang xuất khẩu tới một nửa sản lượng khai thác. Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đang hối hả xuất khẩu 18 triệu tấn than để hoàn thành kế hoạch năm 2010 thì 31 nhà máy nhiệt điện đang đói than từng ngày, dự kiến phải nhập khẩu tới 8 triệu tấn than một năm và con số này theo ông Tiến sẽ không ngừng tăng lên ở những năm tiếp theo.

"Chúng tôi đề nghị Chính phủ rà soát, sơ kết, tổng kết, đánh giá lại toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng lãnh thổ, bắt mạch và khám bệnh cho các quy hoạch, nhất là các quy hoạch thiểu năng về kinh tế xã hội. Và phải có những liều kháng sinh mạnh như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều hcinrh, đình chỉ, chấm dứt hiệu lực đối với các quy hoạch thiểu năng này", ông Tiến đề nghị.

Nhật Minh - Kỳ Duyên

Nguồn :http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/11/nghi-van-bao-che-trong-vu-vinashin.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét