Những phát ngôn ấn tượng...
Có lẽ, chưa có kỳ họp Quốc hội nào lại thu hút sự chú ý của người dân đến như kỳ họp QH lần này. Bởi một loạt những vấn đề cực kỳ nhạy cảm và quan trọng ... tạo nên những con sóng làm nghiêng ngả xã hội. Thì phiên trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và các thành viên Chính phủ trong 2 ngày 23, 24-11 mới đây là điểm đỉnh.
Cả 2 phía, người chất vấn và trả lời chất vấn đều phải ý thức được trách nhiệm của mình trước vận mệnh dân tộc. Phiên chất vấn rồi sẽ qua, nhưng trí tuệ, phẩm cách của 2 phía, sẽ còn đọng lại trong thước đo chất lượng người lãnh đạo của nhân dân. Mà rồi đây, lịch sử sẽ phải đánh giá sòng phẳng.
Có lẽ chính vì tính chất đặc thù của một kỳ họp QH bỏng rẫy những vấn đề quốc kế dân sinh, mà kỳ họp lần này cũng là nơi nảy sinh nhiều phát ngôn ấn tượng.
Phát ngôn ấn tượng nhất có lẽ là của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc về trách nhiệm của bộ này trong vấn đề Vinashin, đã khiến cả hội trường cười ồ: "Chúng tôi không có trách nhiệm gì mà phải chịu trách nhiệm.".
Lý giải không có trách nhiệm gì, ông Phúc viện dẫn, việc Bộ KH & ĐT không kiên trì theo đuổi quan điểm của mình để có thể tránh cho Vinashinh không rơi vào tình cảnh hiện nay, là do vướng luật. Theo ông Phúc, Luật Doanh nghiệp 2003 quy định quyền hạn rất lớn cho Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc. Nếu Bộ có ý kiến can thiệp sẽ trái luật nên "bộ phải chấp nhận theo quy định".
Ông Phúc cũng "chia đều" trách nhiệm về Vinashin cho cả Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi thí điểm xây dựng tập đoàn và theo ông, từ nay cần chỉnh đốn để làm tốt hơn, nhất là xây dựng, ban hành luật. Nhưng trong khi chia đều trách nhiệm cho các bên, ông Phúc lại khẳng định Bộ của ông không có trách nhiệm gì.
Kịch tính chất vấn lên cao, khi Chủ nhiệm UB Pháp luật QH, ông Nguyễn Văn Thuận cũng có một phát ngôn ấn tượng không kém.
Ông Thuận cho rằng cách trả lời của Bộ trưởng Phúc là không đúng và không được. Bởi theo ông Thuận khi thí điểm về tập đoàn, bản thân cơ quan quản lý nhà nước về doanh nghiệp là Bộ KH & ĐT phải trình ra QH việc sửa Luật Doanh nghiệp hoặc trình ra QH một nghị quyết về tổ chức và hoạt động của tập đoàn. Vì thế, Bộ KH &ĐT không thể vô can. Ông Thuận viện dẫn, năm ngoái QH dùng một luật sửa nhiều luật, tại sao Bộ KH & ĐT biết chuyện không ổn của tập đoàn lại không trình ra QH để xử lý?
Nếu với cách lập luận của ông Thuận, thì Bộ KH & ĐT chỉ có thể rơi vào một trong 2 tình huống sau: 1 là Bộ không nắm được vấn đề theo chức năng nghiệp vụ, 2 là Bộ không thấy hết trách nhiệm của mình. Cả 2 tình huống, tình huống nào cũng chứng tỏ sự thiếu nhạy cảm của Bộ trước thực tiễn.
Còn theo người viết bài này, tiếng cười ồn của cả nghị trường chính là cách chấm điểm, và cũng là lời bình chuẩn xác của các đại biểu QH dành cho Bộ trưởng Võ Hồng Phúc.
Phát ngôn ấn tượng thứ 2 thuộc về Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Phạm Khôi Nguyên, khi ông tự tin nói về bùn đỏ Tây Nguyên, sau chuyến công tác khảo sát tại Hungari của đoàn cán bộ do Bộ ông quản lý.
Bộ trưởng Nguyên tập trung phân tích và so sánh giữa cái dở của công nghệ, thiết kế kỹ thuật của Hung, và cái hay của công nghệ, thiết kế kỹ thuật của VN trong xử lý bùn đỏ như công nghệ thải ướt, độ PH của công nghệ này, hồ chứa bùn đỏ, độ thẩm thấu, khối lượng bể chứa bùn đỏ, độ áp lực của hồ chứa bùn đỏ...Để từ đó kết luận: "Phía Hung không hề lường trước sự cố, còn phía VN chúng ta đã lường trước được những sự cố trên và nễu xảy ra chuyện gì thì hoàn toàn bảo đảm được mức độ an toàn".
Ô, nếu phía Hung không có "đi tiên phong" trong sự cố bùn đỏ, thì VN chúng ta đi sau làm sao lường trước được những rủi ro có khả năng xảy ra mà đề phòng nhỉ?
Trộm nhớ tới vụ việc sông Thị Vải (Đồng Nai) bị Công ty Vedan xả chất thải gây ô nhiễm toàn bộ con sông và môi trường sống của người dân 3 tỉnh. Sau khi báo chí ồn ào lên tiếng mạnh mẽ, bóc trần sự việc, Bộ trưởng Nguyên cho biết, 2 năm trước đó, ông đã phát hiện được vấn đề. Nhưng cái sự biết trước rồi im lặng nó rất khác về bản chất cái sự biết sau vì không biết đó, thưa Bộ trưởng thân mến!
Khác với sự tự tin về lý thuyết của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, trong buổi sáng phiên chất vấn tại kỳ họp QH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại tỏ ra rất cẩn trọng. Ông cho biết đã yêu cầu Bộ Công thương lựa chọn tư vấn độc lập nước ngoài để xem xét thiết kế hồ chứa bùn đỏ Tân Rai, nghiên cứu thêm phương án thải khô với Nhân Cơ, xây dựng các tiêu chuẩn về hồ bùn đỏ. Quan điểm của ông rất rõ ràng, chỉ sau khi có kết luận thẩm định lại của tư vấn nước ngoài, căn cứ kết quả đánh giá lại, nếu dự án bảo đảm chặt chẽ môi trường mới được triển khai.
Sự tự tin là tốt. Nhưng sự cẩn trọng còn tốt hơn. Nhất là sự cẩn trọng đó xuất phát từ thực tiễn cuộc sống của người dân, từ lợi ích đất nước, thì sự cẩn trọng đó mới có ý nghĩa an dân.
Phát ngôn ấn tượng thứ 3 tại kỳ họp này cũng chính là phát ngôn của một người đặc biệt. Đó là phát ngôn của Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng, người chịu trách nhiệm cao nhất của CP về sự đổ vỡ của Vinashin. Cũng là người đã nhiều lần nhận trách nhiệm cá nhân trước các chất vấn của các đại biểu QH về vấn đề này trong khi có những Bộ trưởng trong Chính phủ của ông cho rằng mình vô can.
Trước đó, ông đã phải trả lời một loạt vấn đề, khá thẳng thắn và cũng rất khôn ngoan. Từ trách nhiệm trong quản lý của đại diện chủ sở hữu, thể chế mô hình tập đoàn, tổng công ty nhà nước; việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinashin (ông Phạm Thanh Bình- hiện đã bị bắt), kéo dài từ 1999 đến việc kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực...Việc nào cũng ở tầm vĩ mô, cũng cho thấy những bất cập kéo dài trong chỉ đạo và triển khai thực hiện. Kết thúc trả lời chất vấn, ông có một câu phát ngôn khá ấn tượng, như một câu tự sự thì đúng hơn: ""Tôi đã làm hết sức mình theo Hiến pháp, pháp luật, vì đất nước, vì nhân dân".
Chất lượng bài trả lời chất vấn của ông được người nghe chấm mấy điểm? Có người đánh giá rất tốt, rất thuyết phục. Người khác lại chấm khá, trung bình khá, lại có người tỏ ra khắt khe hơn thì bảo như vậy là đạt yêu cầu. Chấm cao hay thấp, đó là quyền của mỗi công dân.
Nhưng cho dù có vượt qua được kỳ "sát hạch" căng thẳng sáng 24-11, tôi tin đêm đó, ông Thủ tướng cũng vẫn rất khó ngủ.
Quan trọng hơn cả chuyện Vinahsin, là sức ép một cơ chế quản lý kinh tế- xã hội, với mô hình phát triển kinh tế, và luật pháp quá nhiều khiếm khuyết đang cần được nghiêm túc nhìn nhận và thay đổi thế nào đây? Trong cái sự tổn thất quá lớn ấy, niềm tin của người dân cũng đã bị hao tổn phần nào. Đó mới chính là nỗi đau sâu sắc của người đứng đầu luôn tự nhủ "vì đất nước, vì nhân dân".
Và không thể không nhắc đến một đại biểu QH thường có những phát ngôn ấn tượng, tại các kỳ họp QH. Nhưng kỳ họp này, câu phát ngôn gây ấn tượng của ông lại ở hành lang, giữa vòng vây các nhà báo. Đó là đại biểu QH Dương Trung Quốc.
Được nhà báo hỏi "ông có thể bày tỏ băn khoăn và nguyện vọng gửi gắm đến Thủ tướng qua kì họp này", ông Dương Trung Quốc trả lời: "Thủ tướng nay tựa như Tể tướng xưa, là nhân vật "thượng đẳng đại thần" có vai trò rất quan trọng đến quốc gia. Câu hỏi sẽ là: "Thưa Thủ tướng, trong khi thực thi quyền năng của mình, có lúc nào ông thoáng tự hỏi mình sẽ để lại dấu ấn gì trong lịch sử hoặc rồi đây lịch sử sẽ viết về mình như thế nào?".
Một câu hỏi mang đậm dấu ấn của một nhà sử học, lại mang dấu ấn của một nghị sĩ, và cuối cùng, mang dấu ấn một công dân có trí tuệ và tư duy phản biện (!).
Đúng là mỗi một vị thượng đẳng đại thần, đứng dưới một người, đứng trên muôn người hẳn luôn rất có ý thức "người trên trông xuống, người dưới trông lên, người ngoài trông vào" trong mỗi hành vi, mỗi việc làm. Vậy thì hành vi ấy, việc làm ấy, phải được cân nhắc kỹ, suy ngẫm kỹ. Nhưng cái nền tảng của mọi hành vi, mọi việc làm đó phải là "dân vi bản" (coi dân là gốc).
Có coi dân là gốc thì mọi chủ trương, chính sách, mọi quyết định mới lấy dân làm tiêu chí, lấy lợi ích của dân làm trọng. Một thể chế đó, mới đích thị là thể chế xã hội "của dân, do dân và vì dân". Vị thượng đẳng đại thần nào cũng phải khắc cốt ghi tâm cái sự hành xử đó. Đó là trách nhiệm vô cùng nặng nề, lại cũng vô cùng hạnh phúc.
Nếu nhìn như vậy, câu hỏi đó có lẽ không dành cho riêng Thủ tướng, mà cho tất cả những ai đang nắm giữ trọng trách đối với con tàu vận mệnh dân tộc. Nói dễ, làm khó, lẽ đời khắc nghiệt ấy nào có buông tha bất cứ ai.
Dù có từng nắm giữ cương vị nào, cao cấp đến đâu thì 1 -2 nhiệm kỳ, đối với một đời người cũng chỉ là một khoảnh khắc. Khi những nhà lãnh đạo ấy rời chốn quan trường, về trong dân, đã để lại dấu ấn gì sau nhiệm kỳ lãnh đạo của mình, có lẽ phải là mối trăn trở của những vị lãnh đạo thực sự nặng lòng vì nước, vì dân.
Rừng "si" và ngụ ngôn dâu Con, rể Khách
Vệt bài phóng sự về Công ty InnovGreen trồng rừng trên các tỉnh biên giới từ Móng Cái (Quảng Ninh), sang tới Tràng Định (Lạng Sơn), quay lại Quế Phong (Nghệ An)... đăng trên VietNamNet gần tuần nay đã khiến dư luận xã hội giật mình. Câu chuyện là sự làm ăn của các công ty láng giềng với nước ta. Nhưng nó khiến người nghe chua xót nghĩ về một truyện ngụ ngôn lịch sử.
Từ cổ xưa cho tới thời hiện đại, đến tuổi lập nghiệp, anh đàn ông nào lấy vợ chả nghĩ chuyện xem tông. Khi tỏ tình, thì hay làm cái việc mà dân gian gọi là trồng cây si. Không biết IG được bao nhiêu tuổi rồi, chứ cái cách chọn nơi làm ăn quả thật là đang sức trai 30. Chọn đúng những nơi biên giới hiểm trở. Còn thể hiện tình yêu nồng nàn thì thôi rồi. Người ta thường chỉ trồng cây si, chứ IG này trồng cả rừng cây, hàng ngàn hec ta cây rừng, trồng quá cả nơi cho phép. "Si" quá cũng khiến bên được yêu đâm nghi ngờ (!)
Nhưng dân gian nước Việt cũng có nhiều câu tổng kết răn dạy lối ứng xử đạo lý ra trò. Có câu "con gái là con người ta...", lại có câu "dâu Con, rể Khách". Vì con gái sẽ đi lấy chồng, là con người ta, nên dù rõ ràng mười mươi nàng xinh đẹp nết na, thì nếu nhà đó có nghề truyền thống, dứt khoát nàng không được cha mẹ truyền nghề. Phòng khi lấy chồng, nàng mang cả bí kíp của nghề mưu sinh về tuốt bên nhà chồng, thì cả nhà cha mẹ nàng có mà treo niêu.
Đến con gái dứt ruột đẻ ra, gia chủ còn có những quy tắc, luật lệ rành mạch như vậy nữa là phận Khách. Cái khái niệm Khách có nhiều nghĩa lắm: Khách là đối tượng được tôn trọng, để chủ nhà thể hiện văn hóa gia phong. Khách cũng có nghĩa là người ngoài, phải biết đất lề quê thói mà tôn trọng gia chủ, tuyệt đối không được đi quá cái vị thế làm Khách, nhất là không được tò mò, không được săm soi vào những nơi thiêng liêng nhất, bất khả xâm phạm của gia chủ.
Cái đạo Chủ- Khách rõ ràng như thế. Vậy nhưng đi dọc các tuyến đường độc đạo, là mạch máu giao thông của khu vực Đông bắc, người ta thấy IG đã đi quá xa cái phận Khách của mình. Tại 49 xã thuộc 7 huyện của riêng tỉnh Lạng Sơn, các phóng viên không tin nổi vào mắt mình. Toàn bộ tuyến đường 4A, 4B hoàn toàn bị kẹp chặt trong những dự án của công ty này. Những địa điểm mà IG đầu tư tại 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh đều nhắm vào các vị trí nhạy cảm về quốc phòng- an ninh, còn xơi cả vào những vị trí then chốt, như điểm 558, từng là nơi xẩy ra những trận chiến nảy lửa trong quá khứ.
Trong khi đó thì ôi thôi, khi được hỏi, một vị chủ tịch xã biên giới của tỉnh Quảng Ninh loay hoay mãi không tìm được một văn bản nào lưu ở UBND xã về dự án của IG. Đến lượt ông giật mình khi được cung cấp các văn bản, tài liệu về việc giao đất rừng cho công ty này, mặc dù đó là địa bàn xã ông quản lý. Đến ngay cả một vị chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn cũng "chưa nắm được dự án thuê nhiều ha rừng của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh và cũng chưa thấy ai báo cáo về vấn đề đó".
Nhà của mình- mà những người Chủ ngành, Chủ xã... không được biết lúc nào Khách vào ăn ở, sinh sống và làm việc cho mục đích riêng của họ, thì lỗi tại ai đây? Sự ngây thơ. Sự lỏng lẻo quản lý vì kém cỏi. Hay còn những lý do gì gì nữa? Nứớc mắt thì mặn, nhưng nước mắt của sự nhẹ dạ thì đắng chát, dù có thể biến thành trai ngọc
Trong cái thời buổi kim tiền này, rất khó có sự cho- nhận vô tư (lợi). Ai cũng hiểu, mà sao chỉ gia chủ- chính quyền cơ sở không hiểu, lại như "gã khờ ngọng nghịu đứng lơ mơ". Lẽ nào, chỉ thấy cái lợi (khổ thay, cái lợi của dân chưa thấy đâu), để ảo tưởng vào cái sự ngọt ngào môi hở răng lạnh, mà quên đi châm ngôn thời hiện đại "Môi hở răng...cười".
Lịch sử có những khi lặp lại. Nhưng có lịch sử dứt khoát không bao giờ được phép trùng lai.
TG : Kỳ Duyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét