Nhân đọc những bài tranh luận về vai trò trí thức, khởi đi từ bài viết có cái tựa rất kêu “Của sự im lặng” của Trịnh Hữu Tuệ trên talawas, tôi và vài anh bạn thân ở Sài gòn có cớ ngồi với nhau một buổi, tranh luận ỏm tỏi. Đương nhiên rồi chẳng đến đâu cả, tốn vài thùng bia. Trong cái đám ấy đủ mặt: người kinh doanh, người giảng dạy đại học, kẻ nghệ sỹ nửa mùa… xúm lại nhao nhao bàn về tư cách và trách nhiệm của trí thức với thời cuộc, rồi vì bia chưa hết, lại học đòi luận anh hùng. Mệt. Hốt nhiên, tôi lẩn thẩn nghĩ ngợi xem, về bản chất thì tôi là cái thằng gì?
Cởi cái áo khoác nghề nghiệp hiện tại trong xã hội ra, tôi biết mình vẫn là nông dân chính hiệu. Thật đấy. Việc cuốc đất, trồng cây tôi vẫn chưa quên, chỉ lâu không có cơ hội thôi. Tôi (nói theo đuôi Nguyễn Huy Thiệp) sinh ở nông thôn, bố tôi là nông dân.
Gần đây người ta nói nhiều, viết nhiều về tam nông, thấy xót xa quá. Nguyễn Quang Thiều phát hiện ra 54 năm qua, người nông dân Việt Nam đi giáp một vòng tròn-một vòng tròn oan nghiệt, bị tước đoạt ròng rã.
Nói các bạn đừng cười, tôi giống bố mẹ mình, có tâm hồn nông dân. Nghĩa là yêu và gắn bó với ruộng vườn, vật nuôi và cây trồng. Có phải nhìn sự sống tươi xanh thì nguôi đi đau khổ? Chế Lan Viên trước lúc chết viết câu thơ giản dị, có vẻ xoàng và dễ dãi với ông nhà thơ thông minh hiếm có này:
“Mỗi lần đau anh lại đến tây Hồ
Chữa lành anh là hoa súng tím”
Tôi thật không biết thế nào, chỉ biết những lúc lòng hoang mang nhất, nếu được ngắm cây lá xanh tươi, đầm phá rộng rãi thì lại tĩnh lặng được.
Tha phương hai mươi năm, Tết năm rồi, tôi đưa vợ con về quê chơi. Một bà chị họ tôi mới nghỉ hưu, về quê xây nhà, làm vườn bên mẹ già. Thấy bóng tôi, chị bèn chặt mấy củ su hào to tướng mang sang cho.
Chị nói: “Củ to nhất đất, chị tưới nước giải cách đây chục ngày. Thấy nó to quá đẹp quá, không dám ăn, không nỡ bán, có cậu về biếu cô cậu và các cháu ăn là xứng đáng nhất.”
Tôi bủn rủn cả người! Trời đất, xứng đáng cái gì chứ?! Được làm một món quà, chở nặng cả tấm lòng của chị thì củ su hào quả xứng đáng với sứ mạng của kẻ vận chuyển. Còn tôi, công trạng gì, tư cách gì mà nhận đây? Đứng nói chuyện, nhìn tay chị cứ tỉ mẩn vuốt ve mãi mấy cái lá non trên củ su hào, tôi hiểu.
Người nông dân không coi cây trồng, hoa trái như vật vô tri, mà có phần như với như vật nuôi. Trồng cây rồi chăm bón từng ngày, thấy nó lớn lên, xanh tốt mà khấp khởi, bồi hồi. Đến lúc thu họach, được ăn hoặc đem bán thì lại tiếc, lại xót xa. Rau, hoa trong vườn nhìn thấy mỗi ngày, đến lúc cắt cành hoặc nhổ bán thì lại nhớ rưng rưng như nhớ con mèo con chó bỗng dưng bỏ nhà đi mất. Vô lý và buồn cười, đúng không? Họ biết vậy nhưng họ vẫn vậy. Nông dân, dấm dớ thế đấy, trí thức không hiểu đâu.
Quê tôi giờ khá rồi, đã “lên” thành phố, thành phường thành quận rồi chứ không còn là xã là huyện nữa. Tranh thủ mấy ngày Tết ở quê, tôi sang thăm bà bác họ. Vắng hoe hoắt, bố mới mất hơn năm, anh trưởng nghỉ hưu về phụng dưỡng mẹ. Nhà cửa, ao rãnh, vườn tược vẫn như xưa dù không còn canh tác và thu hoa lợi được mấy nữa vì đã mất con mương thủy lợi, nước ao hồ đen ngòm, thối inh. Tưới nước máy thì chết tiền, vả lại nước máy thì không hợp với một số loại hoa khó tính, nó sẽ chết hoặc còi cọc, không ra hoa. Quê tôi đã chết một làng hoa. Như Ngọc Hà, như Yên Phụ Hà Nội, chết hết cả rồi.
Thấy bên nhà bác vẫn còn một cái rãnh dài, tù đọng, không thông thủy nữa, chạy dọc một bờ tre rậm rạp. Ngày còn bé, tôi hay bắn chim ở bờ tre này, quen thuộc lắm. Anh trưởng nói, chắc cũng sắp phải chặt bớt tre đi vì nó rợp bóng, hàng xóm kêu ca. Anh bảo cố giữ hàng tre để ông bà nhìn thấy đến lúc khuất, cho chim nó về hót. Buổi chiều nếu không mệt, bà vẫn bắc ghế ra hiên ngồi. Bà ngồi, đôi mắt mờ đục hướng lên ngọn tre chẳng biết có nhìn thấy bóng chim hay chỉ nghe được tiếng hót mà đoán mấy con, con gì đang hót.
Trước sân nhà bác tôi, cây hoàng lan vĩ đại trồng hơn sáu mươi năm vẫn tỏa bóng mát quanh năm và thơm ngát mỗi độ thu. Bà già bé nhỏ tuổi gần chín mươi ngồi đó, vẫn nghe tiếng chim, vẫn ngửi mùi hương hoa cũ, miệng móm mém nhai trầu. Tôi tin bà còn ngồi chỗ đó vài năm, mươi năm nữa không chừng. Ông mới mất, nhiều thứ đã mất, bà nghĩ ngợi gì có mà thánh biết.
Làng quê tôi đã mất, đang mất cùng với ao hồ, bờ tre, cây trái. Và hoa nữa. Sẽ không còn hoa, không còn tiếng chim. Những lão nông dân tóc vấn, răng đen (có cả bố mẹ tôi) cũng sắp khuất bóng hết cả rồi.
Đô thị hóa nông thôn một cách quyết liệt, ai được lợi? Dân làng tôi xưa, một số lui vào trong xóm dành chỗ dọc mặt tiền đường cho người nơi khác về mua đất làm nhà, một số bán đất lấy tí vốn tha phương. Dân ngụ cư xưa khổ thế nào, lép vế thế nào với dân làng và chức dịch tôi không biết chứ giờ đây họ là số một.
Đất đai lên giá, bán đi chia nhau không sòng, rồi anh em ruột thịt xảy ra là đánh cãi, không nhìn mặt nhau là chuyện thường. Đồng tiền xuất hiện với tần suất kinh hồn trong mọi câu chuyện hàng ngày, thay cho tình nghĩa ngày xưa. Hết đường trồng cấy, cả làng (quen miệng nói vậy, bây giờ gọi phường) nhao ra làm đủ nghề mà chưa được đào tạo: xe ôm, bán quán nước, hàng ăn, tiệm dịch vụ điện tử, chứa bạc, cá độ bóng đá và đề đóm, hút sách…
Đường xá, nhà cửa to đẹp dễ nhận thấy nhưng mấy ai quan tâm có trận bão khác hủy diệt cái cơ cấu tình cảm cổ lỗ, và đời sống đang ngày càng bấp bênh. “Chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng” rồi “dịch chuyển cơ cấu kinh tế” có thể nói ra rả trên TV, đài báo suốt ngày, có ai biết đâu với nông dân ít học, không còn đất canh tác thì dù rất muốn họ cũng khó lòng “chuyển đổi” thành công được vì không được chuẩn bị và hỗ trợ chu đáo.
Đành tự thích nghi thôi, với số vốn còm bán chác đất đai hương hỏa và đất năm phần trăm tự dưng có. Không cần trăn trở với câu hỏi bất hủ “trồng cây gì, nuôi con gì” nữa, vì quyền sống thiêng liêng cộng với khí phách hào hùng, họ quyết đi tắt đón đầu, bước một phát chẳng e dè vào cuộc sống đô thị (mà thực ra có cách nào khác đâu). Thế là các cơ quan quản lý chức năng chúng ta, dù bận trăm công nghìn việc nay lại phải đương đầu với bao tệ nạn, hệ lụy từ sự “thích nghi” cực chẳng đã kia. Vất vả phải nói, lo cho dân khổ vậy!
Thử tính thêm 46 năm nữa cho chẵn 100 năm từ cái mốc của Nguyễn Quang Thiều, sau trận cuồng phong đô thị hóa rồi nông thôn và nông dân Việt Nam sẽ ra sao? Một trăm năm rất có thể chỉ đem lại sự thay đổi mà không phải là sự phát triển; các làng mạc không có sức sống và nhiều giá trị văn hóa phải gục ngã, ngủ yên dưới đất nâu hoặc may chăng sẽ còn phảng phất trong các câu chuyện truyền kỳ mới về một giai cấp cũ…
Tôi kiếm cơm nơi Sài Gòn, đất ở vài chục mét vuông lấy đâu ra ao hồ, hoa và tiếng chim để nuôi thằng nông dân trong mình? Thì tôi vẫn cố, bằng cách hô khẩu hiệu: tâm hồn thằng nông dân không chết. Tôi lén lút ủ ấm nó bằng hồi ức, bằng tình yêu với cỏ cây, dù rất cô độc và yếu ớt – như một con chim ẩn mình. Đừng có tưởng, một con chim ẩn mình, nhưng không chờ chết!
Quyết định vậy đi.
Lưu Văn Say
Nguồn :http://hieuminh.org/2010/11/15/nong-dan/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét