Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

7 thg 11, 2010

Văn hóa bốc thăm – Sự cần thiết cho việc công khai minh bạch


Trên mục Khoa – Giáo trang Tiền phong online có một bài nói về hiện tượng tiêu cực trong vấn đề tuyển sinh vào lớp 10 ở Thành phố Hải phòng với tựa đề “Phần lớn HS vào thẳng lớp 10 là con quan “. Bài báo cho biết (trích):

Đến nay, số liệu mà PV Tiền Phong có thì tổng số học sinh (HS) bị trượt khi thi vào các trường trung học phổ thông (THPT) công lập năm học 2010-2011 được Sở GD&ĐT Hải Phòng xét tuyển trái luật để đỗ lên tới 255 HS. Con số thực là bao nhiêu thì lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng vẫn không cung cấp cho báo chí(?)

Kiểm tra qua số 255 HS được Sở GD-ĐT Hải Phòng đặc cách trúng tuyển PTTH trái luật có đến gần 100 trường hợp là con, em (tự nhận) của lãnh đạo các cấp trong ngành giáo dục Hải Phòng. Số còn lại đều có bút phê của lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, các sở Tài chính, Nội vụ, VHTT&DL, Y tế, Công an, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Hội Liên hiệp Phụ nữ…

Nhiều trường hợp con của chủ doanh nghiệp tư nhân cũng được các quan chức “bảo lãnh”. Chẳng hạn, em PT. thiếu đến 2,5 điểm, không phải họ hàng thân thích nhưng vẫn được một vị lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Phòng nhận là cháu. Vị này lấy tư cách lãnh đạo UB Kiểm tra Thành ủy làm đơn gửi lãnh đạo Sở GD&ĐT, đề nghị đặc cách cho P.T trúng tuyển…

Trường hợp N.H.B, thiếu đến 1,5 điểm. Dù không có quan hệ họ hàng, ông Phạm Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Khuyến học TP Hải Phòng vẫn nhận đây là cháu mình rồi xin đặc cách vào trường THPT Kiến An. Trường hợp học sinh H.T thi vào trường THPT Ngô Quyền thiếu 1,5 điểm, nhờ có bố làm doanh nghiệp tư nhân viết đơn, gửi Sở GD&ĐT, lập tức H.T được đặc cách. “
(hết trích).

Xin không bàn tới chuyện một số vị quan chức tuy đối tượng học trò không phải là con, cháu nhưng cứ nhận bừa để kiếm tý ơn huệ hay tiền bạc của người khác, vì nó là cái bệnh kinh niên của hầu hết một số cán bộ có chức có quyền và toàn xã hội nghĩ rằng cái đặc quyền đó là lẽ đương nhiên. Chính vì thế mỗi người “khôn lỏi” muốn cho bản thân hay gia đình mình có lợi và được hơn người khác sẽ tranh thủ sự quen biết (hoặc thông qua trung gian) với những người có chức có quyền để nhờ vả, chạy chọt kể cả việc chịu tốn kém ít nhiều.

Bởi kiểu suy nghĩ đó đã diễn ra rất lâu hàng chục năm nay, đã ngấm vào máu của mọi người Việt nam bình thường. Bây giờ mỗi cá nhân khi có khó khăn thì lập tức nghĩ ngay đến chuyện chịu chi một khoản nào đấy cho xong việc. Không tin bạn hãy tự hỏi bản thân mình mỗi khi ta bị Cảnh sát giao thông kiểm tra, nếu mà mình mắc lỗi thì suy nghĩ đầu tiên của bạn là gì nếu không phải là xin xỏ để chịu chi một khoản cho xong? Cũng thế đối với việc đi khám chữa bệnh ở bệnh viện, đi xin việc, đi vay vốn ngân hàng v.v… hay nói một cách khác là mọi lĩnh vực của cuộc sống một khi có trở ngại, mọi người đều chấp nhận chi cho xong việc và có một điều lạ đặc biệt là ai cũng cảm thấy rất sung sướng sau khi bị mất tiền cho người khác.

Cái thói quen xấu đó, triền miên trở thành tệ nạn, điều này đã dẫn tới tình trạng phổ biến bất kỳ ai trong xã hội Việt nam hôm nay là kiếm tiền qua tham nhũng để nuôi lẫn nhau kiểu “lấy thằng miền xuôi để nuôi thằng miền ngược”. Ông Cảnh sát Giao thông nhận tiền mãi lộ để còn lo phong bì cho cô giáo, cho bác sĩ… lo cho con cái, bà giáo viên nhận phong bì của cha mẹ học sinh để cho ông bác sĩ, ông CSGT …. Cứ như thế là cả xã hội cứ tít mù chạy vòng quanh để lo việc của cá nhân mình, để việc khó thành dẽ là cứ dùng phong bì để bôi trơn.

Nó thành nếp, thành lệ bất thành văn, không có thì phải làm khó cho nạn nhân phải chịu lòi ra phong bì để mình đút túi, mà rất ít người nghĩ đến rằng trong bối cảnh như thế thì một số đông của xã hội là những người lao động tay chân như công nhân, nông dân, những người làm thuê không chức, không quyền hơn nữa cái nghề nghiệp của nọ chả có ai phải nhờ vả họ thì họ sẽ sống ra sao trong cái xã hội nhố nhăng này?

Những ai có dịp đi ra nước ngoài công tác và làm ăn ở các nước khác (trừ Lào, Campuchia, Myanmar… các nước có hơi hướng của độc tài hay cộng sản) thì thấy không bao giờ có chuyện đó, vì mỗi thành viên trong xã hội của họ, làm bất cứ nghề gì họ cũng coi đó là nghĩa vụ đối với xã hội, nhân viên công chức nhà nước luôn ý thức họ là công bộc của nhân dân, phải có ý thức phục vụ tận tình và đáp ứng mọi yêu cầu của người dân. Làm gì có chuyện người nhà phải chi tiền cho bác sĩ để họ mổ cho cẩn thận, phải chạy tiền cho thầy cô giáo để cho con em mình vào những trường tốt v.v… Một phần cũng vì an sinh xã hội của họ ở mức cao, trường học, ngân hàng và bệnh viện… cái gì cũng nhiều, nhưng cơ bản nhất là họ có sự sòng phẳng, rõ ràng.

Ở ta, những cái câu “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” chỉ có ở trên các khẩu hiệu, trong các văn bản hay diễn văn chứ ngoài đời sống thật thì kiếm đâu ra. Chỉ xin dẫn mấy chuyện nhỏ mà tôi được mắt thấy tai nghe ,ở các nước khác họ làm để thấy chả có cái gì là khó khăn mà người Việt nam mình không làm được, nó không đòi hỏi chế đọ an sinh xã hội hay gì to tát phải có, đó là sự công bằng và minh bạch do dân kiểm tra kiểm soát.

Phải thừa nhận rằng, cho dù một xã hội văn minh đến đâu thì con người ta vẫn có lòng tham và tính ăn người đó là một điều thực tế. Là con người thì cái tốt cái hay thì hay giành cho mình, cho người thân, cái khó khăn thì đùn đẩy cho người khác là lẽ thường tình. Do đó chỉ có sự công khai và minh bạch mới có thể giải quyết tệ nạn này. Ví dụ như chuyện đi lính (bộ đội) và tuyển sinh lớp 10 ở xứ người:

- Chuyện đi lính:

Đi lính là nghĩa vụ của mọi công dân đến độ tuổi như luật quy định, nghĩa vụ này tùy theo mỗi nước khác nhau, có lương hay không có lương nhưng ai cũng phải chấp hành.
Ở độ tuổi 18-20 thì thanh niên mải lo ăn chơi, học hành nên nói chuyện đi lính thì chú nào cũng ngại. Cứ xem ở Việt nam có bác cán bộ lãnh đạo từ trung ương tới cấp xã cấp phường chịu cho con em mình đi nghĩa vụ quân sự đâu? Vì sao? Vì nó khổ do luyện tập và lao động, những vị lãnh đạo của ta mồm họ động viên con em nhân dân đi bộ đội, còn bản thân họ thì xót con nên đến tuổi thì họ kiếm cho con đi nước ngoài học tập hay làm việc như bác Nông đưa anh Tuấn con bác đi xuất khẩu lao động bên Đông Đức thời ta đánh Trung quốc đấy thôi. Không chỉ có bác Nông mà hầu hết mấy vị lãnh đạo đại diện cho giai cấp nhân dân và quần chúng lao động của ta đều giống như thế, họ hô “lãnh đạo đi trước, làng nước theo sau”. Làm theo họ thì khi đất nước có chiến tranh thanh niên cả nước đi nước ngoài hết à?

- Chuyện tuyển sinh (trường công lập):

Không chỉ ở ta mà ở các nước khác, tỉnh nào huyện nào của họ cũng có trường điểm, trường tốt (đây là nói chuyện trường học bình thường không phải trường chuyên) khác nhau và nguyện vọng của mọi người thì đều mong cho con em mình vào trường tốt là chuyện thường tình. Lớp 10 của họ không phải thi vì họ thừa trường, thừa lớp, thừa giáo viên nhưng trường nổi tiếng thì không như thế, người có nguyện vọng vào học bao giờ cũng lớn hơn chỉ tiêu nhận.

Hai chuyện ví dụ trên đây ở xứ họ không có chuyện chạy chọt, ai trúng tuyển đi học hay đi lính đều vui vẻ vì nó là bình đẳng, công bằng và minh bạch.

Vậy họ làm thế nào?

Họ để cho người dự tuyển thực hiện bắt thăm kiểu đỏ đen (bằng phiếu đỏ hay phiếu đen), người dự tuyển bắt được phiếu đỏ là phải đi lính hay được vào học, người bắt phiếu đen thì không theo quy định.

Việc bắt thăm được nhà nước tổ chức công khai ở hội trường lớn, những người dự tuyển (đi lính hay vào học) không phân biệt con ai, sau khi hoàn thành việc xem xét thủ tục hồ sơ và khám sức khỏe xong 1oo%, tất cả người dự tuyển xếp hàng tập trung quanh một chiếc hũ lớn đặt cao hơn tầm mắt, miệng hũ nhỏ vừa lọt một bàn tay trong đó để sẵn số lượng phiếu đỏ và đen bằng đúng số lượng người dự tuyển. Có một người chủ trì và một ban thư ký và xung quanh bốn góc là 4 camera ghi hình chiếu lên các màn hình lớn để mọi người tiện theo dõi.

Khi bắt đầu, người chủ trì xướng tên từng người một theo thứ tự vào bốc phiếu thăm và lập tức người bốc thăm mở công khai cho toàn thể mọi người tham dự tuyển và người nhà của họ đến dự cùng chứng kiến ( ai thích thì quay camera làm bằng chứng). Bốc đến người cuối cùng xong là xong, biên bản không phải thông qua vì mỗi người dự tuyển đã giữ cái phiếu bốc được của mình.

Trên đây là hai ví dụ nhỏ mà rất đơn giản đễ thực hiện, sao người Việt mình không nghĩ ra ? Không nghĩ ra thì cứ theo lối như thế mà bắt chước họ trong mọi việc, đó là sự công khai minh bạch mà người dân ai cũng có thể kiểm tra được.
Đi trên đường phố của họ bạn dễ dàng thấy các đề can lớn dán sau xe hơi là xe của công, hay của tư thuê người lái, ghi rõ “lái xe không lịch sự xin báo cho số điện thoai XYZ…”, trong bệnh viện, công sở nhà nước, trụ sở cảnh sát hay ngân hàng có các bảng thông báo “Nếu không gặp sự phục vụ chu đáo hay thoải mái báo cho số ABC…, tất cả các số điện thoại là số hot-line miễn phí phục vụ 24/24 giờ, cứ công khai như thế thì nhân viên các loại ai dám hành dân để nhận phong bì, ai mà không sợ?

Nhưng cũng phải nói trước làm theo kiểu họ là công bằng minh bạch và dân chủ thực sự, ai cũng như ai, con ông giời cũng ngang con dân đen. Nhưng làm kiểu này nó không có tính xã hội chủ nghĩa như chủ trương của đảng và nhà nước ta đâu nhé, vì con ông cháu cha hết chỗ ỷ thế và bố mẹ chúng nó hết có cơ hội nhận phong bì lót tay.

Một xã hội lành mạnh, vì dân phải trọng sự công bằng theo tinh thần mỗi người đều bình đẳng, những người lãnh đạo xã hội đó thì phải biết tổ chức xã hội cho khoa học và đảm bảo tính minh bạch, công khai, đó cũng là phương pháp giảm thiểu các áp lực, các sự chống đối và phản kháng của dân chúng. Vì thế tôi tin rằng những việc làm như trên sẽ không bao giờ những người lãnh đạo đất nước họ tiếp thu để làm và ủng hộ, vì lý do làm công khai minh bạch như thế họ được cái gì hay là chỉ có thiệt đủ đường. Còn ai phản kháng và chống đối ư, xin mời vào tù là hết chuyện.

Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi “Vì sao đảng và nhà nước Việt nam họ sợ và không bao giờ dám hai chữ công khai và minh bạch?


Nguồn :nguoiduatinkami.wordpress.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét