Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

19 thg 11, 2010

GIANG HỒ GIẢI MÃ NHỜI ÔNG VŨ KHIÊU



I. Phỏng vấn GS Vũ Khiêu xung quanh vấn đề quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng
Trong những ngày không khí thảo luận về tình hình kinh tế xã hội đã và đang diễn ra sôi động tại diễn đàn Quốc hội, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, GS Vũ Khiêu đã dành cho Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cuộc phỏng vấn xung quanh những thành tựu, hạn chế của tình hình kinh tế xã hội và quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phóng viên: Thưa Giáo sư, là một học giả lớn, từ góc nhìn của Triết học và Xã hội học, Giáo sư luôn luôn theo dõi và phân tích tình hình về mọi mặt của Tổ quốc và thỉnh thoảng đã có những bài phát biểu trên các báo, đài ở Việt Nam. Xin Giáo sư cho biết một vài đánh giá của Giáo sư về những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được trong năm vừa qua dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước?

Giáo sư Vũ Khiêu: Tôi vui mừng trước những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được. Về căn bản, tôi đồng tình với bản báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tại Quốc hội. Báo cáo đã trình bày đầy đủ thành tích mà đất nước đã đạt được, đồng thời cũng nêu lên những mặt còn yếu kém, còn thiếu sót trong quản lý. Báo cáo đã được Quốc hội xem xét kỹ. Nhiều đại biểu đã chất vấn Chính phủ từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng đến các vị đứng đầu các Bộ, các ngành, các cơ quan Nhà nước. Nhiều ý kiến nhấn mạnh những mặt còn thiếu sót và yếu kém trong công tác điều hành nhưng nhìn toàn cục đã chấp nhận những thành tựu cơ bản mà Chính phủ đã đạt được.

Phóng viên: Giáo sư đánh giá như thế nào về sự điều hành của Chính phủ và của bộ máy Nhà nước từ trên xuống dưới?

Giáo sư Vũ Khiêu: Sự điều hành của Chính phủ vẫn theo tinh thần của mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Cho nên, có thể nói rằng kết quả điều hành của Chính phủ cũng là kết quả chung của mối quan hệ mật thiết giữa Chính phủ với Đảng và Chính phủ với nhân dân. Trong việc quản lý đất nước ngày nay, Thủ tướng là người chịu trách nhiệm chính nhưng Thủ tướng lại là Ủy viên Bộ Chính trị. Đây là một thuận lợi khiến cho Thủ tướng thường xuyên sinh hoạt với Bộ Chính trị, dễ dàng tiếp thu ý kiến tập thể Bộ Chính trị để vận dụng trong lĩnh vực hoạt động của mình. Ngược lại, Bộ Chính trị cũng thường xuyên hiểu được việc làm của Chính phủ. Chính vì thế mà thành quả của Chính phủ cũng có thể coi như là thành quả của Đảng và trách nhiệm của Chính phủ gắn liền với trách nhiệm của Đảng.

Phóng viên: Giáo sư đánh giá như thế nào về sự điều hành của Thủ tướng?

Giáo sư Vũ Khiêu: Tôi không thể đánh giá được, vì làm sao tôi biết được công việc điều hành hàng ngày của Thủ tướng. Chỉ có Đảng cùng các ngành, các cấp có sự liên hệ trực tiếp với công việc điều hành của Thủ tướng mới có sự đánh giá chính xác được. Nhưng tôi nghĩ rằng, Thủ tướng là người chịu trách nhiệm cao nhất đối với mọi công việc của Chính phủ, nên sự thành công hay sai sót của Chính phủ trước hết phải quy về trách nhiệm của Thủ tướng.
Đánh giá một nhà nước hay một trong những vị đứng đầu nhà nước, trước hết phải căn cứ vào hai tiêu chuẩn sau đây:
1. Đối với Tổ quốc đã làm những gì để đẩy mạnh sự phát triển của đất nước trên con đường tiến bộ của lịch sử.
2. Đối với nhân dân đã làm những gì để đem lại đời sống ấm no, tự do hạnh phúc cho nhân dân.
Muốn thực hiện được đầy đủ hai tiêu chuẩn này, trước hết phải học lời Bác Hồ dạy: “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Tôi tin rằng Thủ tướng không quên lời dạy đó của Bác Hồ. Tuy nhiên sự điều hành của Thủ tướng không hoàn toàn dễ dàng. Đã có đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi tại sao Thủ tướng không cách chức ngay cấp dưới sai phạm. Tôi nghĩ rằng Thủ tướng Nhật làm được điều đó là theo quy chế điều hành của Nhật Bản. Còn ở ta thì chính cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã nói rằng: “Đối với quyền của tôi, ngay một chủ tịch xã làm sai tôi cũng không cách chức ngay được”.
Để Thủ tướng có thể kịp thời xử lí ngay những công việc trên, tôi cho rằng Đảng và Nhà nước cần xây dựng một quy chế, quy định rõ quyền hạn của một Thủ tướng trong việc kịp thời giải quyết những sai phạm của cấp dưới như có đại biểu Quốc hội đã đòi hỏi.

Phóng viên: Theo Giáo sư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có phải là một trong những người đáp ứng được những yêu cầu như Bác Hồ đã dạy hay không?


Giáo sư Vũ Khiêu: Trong năm vừa qua, vị thế của Việt Nam được nâng cao hẳn lên trong khu vực và trên thế giới. Những kết quả nổi bật của các Hội nghị Cấp cao ASEAN mở rộng, Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN về các trụ cột kinh tế, văn hóa và xã hội cùng với việc Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và là nước chủ nhà Diễn đàn kinh tế Đông Á, được dư luận quốc tế và trong nước đánh giá cao. Công tác hội nhập quốc tế được triển khai tích cực và chủ động với những kết quả thiết thực. Uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam đang tạo thêm điều kiện thuận lợi và nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi nghĩ rằng trong thành công này của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị của chúng ta, trong đó có phần đóng góp lớn của Thủ tướng.
Trong thời gian vừa qua, đông đảo nhân dân theo dõi những hoạt động quốc tế này trên truyền hình nhìn thấy những hoạt động sôi nổi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với cử chỉ đàng hoàng, tư thế chững chạc trước mọi nguyên thủ quốc gia và chính khách lớn của thế giới, tương xứng với vị trí đang lên của Việt Nam. Trước tình hình này, tôi cũng đồng tình với nhiều người và cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể là một trong những người nắm bắt được xu hướng phát triển thời đại và đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, đất nước.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư. Kính chúc Giáo sư mạnh khỏe, tiếp tục sáng tạo nhiều công trình nghiên cứu quí báu đóng góp cho đất nước.
II. Giang hồ giả mã

Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ. (Blog Đông A )

Báo Lao động có đăng bài phỏng vấn ông Vũ Khiêu về Thủ tướng từ VGP News, tức là tin từ Cổng Thông tin của Chính phủ. Đọc thì thấy đây đúng là một bài phỏng vấn thuộc dạng quan hệ công chúng để tâng hình ảnh của Thủ tướng trước công chúng. Bài phỏng vấn quá phô và lộ hàng, chứng tỏ một tay nghề non nớt của VGP News. Muốn tâng đâu đã dễ. Mấy hôm trước tôi có nhận xét Thủ tướng chẳng được một trí thức hay nhà khoa học nào bênh, thì hôm nay có ngay một trí thức có tiếng thuộc hàng thượng thừa lên tiếng. Nhưng đáng tiếc có hai điểm mà những người muốn tạo ra một hình đẹp về Thủ tướng trong công chúng đã không tính tới. Điểm thứ nhất, ông Vũ Khiêu chỉ biết bình văn thơ, đâu có thể bình Thủ tướng, một con người và lĩnh vực hoàn toàn xa lạ với văn thơ, được. Đó chính là lý do tại sao ông Vũ Khiêu trả lời: "Tôi không thể đánh giá được" [về sự điều hành của Thủ tướng]. Điểm thứ hai, ông Vũ Khiêu là dân Bắc Hà và loại thâm nho. Đám thâm nho Bắc Hà là đám rất khó chịu đối với nhà cầm quyền. Chúng khen đấy mà chê đấy. Chúng ca đấy mà chửi đấy. Ông Vũ Khiêu thuộc hạng thượng thừa về những chuyện này. Chẳng vậy mà ông Vũ Khiêu chỉ khen Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được mỗi cái mã ngoài: "Trong thời gian vừa qua, đông đảo nhân dân theo dõi những hoạt động quốc tế này trên truyền hình nhìn thấy những hoạt động sôi nổi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với cử chỉ đàng hoàng, tư thế chững chạc trước mọi nguyên thủ quốc gia và chính khách lớn của thế giới, tương xứng với vị trí đang lên của Việt Nam", còn ruột bên trong thì ông trả lời "Tôi không thể đánh giá được", rồi viện dẫn tư tưởng Hồ Chí Minh vừa làm bình phong, vừa đá Thủ tướng một cú "Tôi tin rằng Thủ tướng không quên lời dạy đó của Bác Hồ". Đừng có tưởng bọn Bắc Hà nói "tôi tin rằng" có nghĩa là "tôi tin rằng" đâu. Khi người ta nói tôi tin rằng có nghĩa là trên thực tế tôi không thấy, không nhìn không luận ra được. Vì không thấy, không nhìn, không luận được nên người ta phải dùng đến nước cuối cùng là tôi tin. Ý tứ là như vậy.
Chọn ai phỏng vấn không chọn lại đi chọn ông Vũ Khiêu. Ông ta có khen thì lại hóa là "Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau". Ông Vũ Khiêu chỉ nên chọn làm con ngựa già trong phủ thôi. Cần diễn từ, diễn văn thì cậy ông ta. Chọn ông Vũ Khiêu làm con oanh trong phủ thì chỉ là một con oanh già, có véo von cũng khó nghe, chỉ loại "Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ" thôi.

Nguyễn Xuân Diện viết trong blog

- Vậy là trong mấy ngày gần đây, bên trang Chinhphu.vn đưa ra ba bài viết/ bài phỏng vấn của 3 tác giả (hoặc người được PV) là
Nguyễn Chính, Vũ Duy ThôngVũ Khiêu. Cả ba bài này đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, đặc biệt là giới trí thức. Trong ba ông nêu trên, thì Ông Vũ Khiêu được xem là người danh giá nhất, nhiều tuổi nhất, uy tín nhất. Ông Nguyễn Chính thì không ai biết (tôi cũng chưa biết). Ông Vũ Duy Thông, được biết đến là một nhà thơ (tôi cũng không biết một câu nào của ông). Tôi cũng bất ngờ khi biết ông này là có học vị Tiến sĩ và đã có học hàm Phó giáo sư.
Được biết, năm 2002, chính GS.TS Nguyễn Minh Thuyết là Chủ tịch Hội đồng xét hồ sơ Phó giáo sư của ông Vũ Duy Thông. Vậy đúng dịp ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay (20.11.2010) ông Vũ Duy Thông có lẵng hoa tặng ông Nguyễn Minh Thuyết như thế này thật rất có ý tứ!

- Tôi không hiểu ý tứ đằng sau những câu chữ của Đông A (tôi cũng không biết Đông A là ai, hành tẩu ở đâu và thân thủ phi phàm như thế nào, võ công đến đâu) có ẩn giấu gì nữa. Nhưng tôi biết Ông Vũ Khiêu là một người có đầy đủ Ngũ Phúc: Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh. Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi coi Ông Vũ Khiêu là một học giả. Trước sau, Ông Vũ Khiêu chỉ là một nhà tuyên huấn.Tôi chẳng có bình luận gì. Chỉ đợi xem bên trang Chinhphu.vn còn có bài nào nữa!?

Nguồn :http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/11/giang-ho-giai-ma-nhoi-ong-vu-khieu.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét