1 thg 11, 2010
Hội chứng thích “Hoành tráng”?
Từ một chuyện bi hài
Có một ông khi trở về Bắc sau chuyến vào thăm con trai lớn tại Sài Gòn. Gia đình ông này ở quê xứ thuộc vào loại "yếm thế" lâu năm, mới thoát khỏi cảnh lần từng bữa hai năm nay nhờ một số chính sách xã hội của nhà nước với vùng nghèo.
Nay có cậu con xin được chân tài xế taxi nên cuộc sống cũng tạm ổn. Khi về đến nhà, ông tổ chức một tiệc trà như là cuộc "họp báo" mini để tuyên truyền về thằng con ông. Ông nói rằng, có buổi nó làm được một triệu đồng, bằng tiền lãi nuôi gà của bà hàng xóm kế cận trong một năm trời và hiện nó đang được ở một cái nhà chín tầng. Bà con láng giềng nghe cũng vui lây cho ông.
Ít lâu sau, quê tổ chức xây căn nhà tổ. Một ban vận động tài trợ được thành lập ở TP. HCM nhằm quyên góp những người con của quê hương đang sinh sống tại đây góp phần vào việc đại sự.
Khi đoàn vận động đến nhà anh kia thì biết anh đang ở chung với anh em bên vợ, vợ anh làm y tá ở một tòa nhà chín tầng thật, đang lái xe thật nhưng có một sự thật khác là, hình ảnh thu nhập nói trên chỉ là hạn hữu, là những dịp lễ tết thôi, chứ ngày thường, có hôm không đạt định mức là chuyện bình thường.
Vợ chồng anh lăn lộn ra trò mới đủ tiền ăn học cho hai đứa con dưới mười tuổi. Anh cũng gửi đóng góp chút ít cho việc tổ họ nhưng để bà con hiểu đúng gia cảnh anh, anh đã chụp ảnh tòa nhà của anh nhờ người vận động đem về quê cho bà con coi để thông cảm.
Tôi đến thăm anh về, trong lòng cứ mang mang một hình ảnh, một hình tượng rất có ý nghĩa về câu chuyện của anh với hình ảnh tòa nhà vợ anh làm việc.
Sau đó, bất giác những hình ảnh tương tự cứ ùa về, như những tấm ảnh được trình diễn dưới dạng slide show trên máy vi tính, ẩn hiện những khuôn hình tương phản về cái sự lớn, nhỏ trong cuộc đời này. Ngay tòa nhà của anh, cũng lập tức trở thành hình tượng rất "bắt mắt" đại diện cho rất nhiều hiện tượng "hoành tráng" hôm nay.
Tòa nhà cao chín tầng thật. Nếu chạy lướt qua đường Trần Hưng Đạo quận 5 TP HCM ai cũng thấy, nhưng thực sự nó chỉ "tung tráng" chứ không hoành tráng. Chiều "tung" dài lối 30 mét, cao lối 50 mét nhưng "hoành" chỉ được ba mét. Theo lối nói báo chí và theo nghĩa đen thì "tòa" này không có chiều sâu!.
Những cái nhỏ
Ngay phương diện vật chất, ngày nay chúng ta đang thấy những cái nhỏ có giá trị rất lớn, thay thế được những cái lớn, thật lớn khi xưa.
Cái máy vi tính xách tay trị giá cỡ 15 triệu bạc với ổ cứng 320Gb, nếu chứa nguyên tài liệu dạng văn bản Word, đem in ra giấy cỡ A4, cỡ chữ 12 thì cả toà nhà cũng không chứa hết.
Cái máy ảnh Cannon, Compaq mỏng dính, nặng chưa đầy 200gram, thấu kính không lớn hơn hạt nhãn, có độ phân giải trên 12 MP có thể chụp cả Tòa nhà cao nhất TP HCM và vùng phụ cận rồi phóng lên tấm ảnh hơn một mét vuông.
Cái máy quay phim nội soi nhỏ bằng hạt đậu có thể đưa thẳng vào nội tạng của người ta để hướng dẫn đường dao mổ cho chính xác, góp phần chữa trị hữu hiệu cho bệnh tật con người. Nếu không chế ra được cái máy nhỏ mà nó cứ "hoành tráng", nặng vài ba ký thì khó mà làm tròn sứ mệnh được.
Ở phương diện khác, nhiều cái nhỏ nhưng vô giá được biết đến, trong khuôn khổ bài viết này, xin được "cúp" lấy một hình tượng điển hình là chiếc huy chương toán học cao quý mà Giáo sư Ngô Bảo Châu vừa nhận, nó nhỏ đến mức nằm lọt thỏm vào lòng bàn tay giáo sư, như một đồng tiền kẽm nhỏ khiến dân báo chí khó chụp được một tấm ảnh rõ ràng trong lễ trao giải.
Thích " to"!
Cách nay mươi năm trở lại, khi báo chí xứ ta hòa nhập với giới truyền thông thế giới, đã ít nhiều học được thế giới phương tây kiểu chơi con số thống kê. Những bài viết, những cái "tít" thường nỗ lực tìm ra những cái nhất: nhanh nhất, nhiều nhất, to nhất, rộng nhất, đắt nhất v.v... Thêm vào đó tư duy tiểu nông như khi thu hoạch khoai củ, ngô bắp, heo gà cứ càng to, càng nặng càng tốt.
Trên nền tảng đó, đã đẻ ra nhiều sản phẩm mang tính "cực đại hóa" nhiều khi đến lố bịch. Những tư duy kiểu này thường dẫn ta lảng xa những giá trị thật của sự thể, rời xa những nhận thức cần thiết của hiện tượng để tiếp cận với chân lý, hình thành thái độ đúng trong định hướng vươn tới trong sản xuất, kinh doanh, đào tạo và phấn đấu.
Cái bánh dầy khổng lồ, chai rượu to tổ chảng dâng Quốc tổ Hùng Vương dịp đại lễ năm 2008...
Dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long vừa qua, người ta may chiếc áo dài cả trăm mét cho cô hoa hậu nào đó mặc. Để tìm được nét đẹp nếu có của chiếc áo này, người xem hoặc phải nhìn từ trên máy bay xuống hoặc cô hoa hậu này phải... lết ra giữa sân vận động Mỹ Đình. Trong trường hợp không có hai điều kiện trên, cái đẹp, cái "hoành tráng" chỉ là do quy ước mà thôi. Ngay cả khi quy ước thành công thì nó cũng gần với một sự thể là biến cô hoa hậu kia thành cái... giá để mắc cái áo, may mà hồi đó, người ta không may chiếc áo dài một ngàn mét cho ứng với 1000 năm thì gay to!
Một trong những nhân tố tạo nên cái đẹp là khoảng cách, là kích cỡ. Chiếc xe Mercedess bốn chỗ nếu rộng ba mét, cao bốn mét và dài chục thước sẽ lập tức biến thành xe tăng hay pháo đài gì đó cho dù nó sẽ được ghi ngay vào sách kỷ lục thế giới!
Chúng ta đã từng tự hào về một cây cầu dài nhất đông nam Á, một nhà máy giấy lớn nhất Đông Nam Á, một cầu thủ bóng đá được bình chọn chơi hay nhất châu Á (trong một thời điểm nhất định) nhưng rồi sau đó ta vẫn phải đánh vật với tình trạng giao thông không mấy thông thoáng trong nhiều năm nay, vẫn phải nhập khẩu giấy, vẫn phải cam go với một nền bóng đá nhiều vấn đề hôm nay...
Có phải hơn một ngàn năm bắc thuộc, hơn một trăm năm Pháp thuộc đã "rèn" cho ta thuộc tính luôn gồng lên bằng mọi biểu hiện để bên ngoài thấy ta lớn mạnh, nể mặt và khiếp sợ ?
Trong chiến tranh, tâm thế ấy rất lợi hại và góp phần kết thành một sức mạnh giải quyết vấn đề lớn là giải phóng dân tộc.
Trong thời bình thì lại khác. Lòng tự tôn thái quá và biểu hiện hình thức, chỉ là sự trỗi dậy về mặt ý chí để chứng tỏ mình to lớn thông qua những vật phẩm to lớn. Nó không phản ánh và không khuyến khích chúng ta đầu tư, chú trọng vào những địa hạt "nhỏ" nhưng rất thiết thân và có thể đem nhiều quyền lợi cho dân tộc mình.
Trong lúc mình đang muốn vươn lên chinh phục... vũ trụ nhưng mỗi năm chúng ta bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để mua đồ chơi rẻ tiền của nước ngoài hoặc vẫn phải trải thảm đỏ mời một nhà đầu tư nước ngoài vào... Việt Nam để sản xuất cả thức ăn gia súc!
Chúng ta đang tiến sâu vào thời bình, vào trọng điểm của thời đổi mới, việc thoát ly kiểu "cầu tiến" ấu trĩ, cơ học, hình khối luôn đuổi theo những cái nhất rẻ rúng, nhất thời để tiến tới những gì thực hơn, chất lượng hơn cũng là một cách khẳng định sự trưởng thành và hơn hết, từ sự tỉnh táo đó, tạo nên những định hướng tốt cho sản xuất, kinh doanh.
Cần xây dựng những gì vững bền, chắc bằng hơn là kiểu "hoành tráng trong tấm ảnh nơi đầu bài trên đây.
Nguồn :http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-11-01-ho-i-chu-ng-thi-ch-hoa-nh-tra-ng-
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
ban chat gia doi thi cai gi cung gia doi
Trả lờiXóaCó gì lạ đâu, lúc mới vào năm 1975, người SG hỏi 1 bộ đội ngoài Bắc là "nhà bác có tủ lạnh không?" thì bác nó bảo:" Ối tủ lạnh nó chạy đầy đường". Ấy thế mà sau nầy các bác vào thuê ruộng trong Nam trồng rau muống khắp cả miền Nam, xịt kích thích tăng trưởng để mau có bán. Các vào Nam như dân Nam qua Mỹ ấy!
Trả lờiXóa