Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

18 thg 11, 2010

ĐỐI THOẠI VỚI ÔNG VŨ DUY THÔNG


Sau nhà báo Nguyễn Chính, đến lượt PGS-Ts Vũ Duy Thông đăng đàn dạy khôn các đại biểu Quốc hội ! Vậy PGS-TS Võ Duy Thông là ai ? Ông vốn là Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban tư tưởng văn hóa TW; sau khi hết tuổi nghỉ hưu, ông sang làm Phó cho ông Đào Duy Quát, phụ trách tờ Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam...
Phamvietdao


I PGS-TS VŨ DUY THÔNG DẬY CÁC ĐẠI BIẺU QUỐC HỘI

Dân mình có câu: "Lời nói không mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau " " Haaaaaaaa”, với tư cách một cử tri, PGS-TS, nhà báo, nhà thơ Vũ Duy Thông đã nhận xét như vậy khi đề cập đến việc đối thoại, chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội.

PGS. TS Vũ Duy Thông cho rằng: Việc đưa ra những nhận xét, chất vấn trong các kỳ họp QH là quyền của các đại biểu QH, nhưng khi những ý kiến ấy đến công chúng thì hiệu ứng của nó không còn theo ý chủ quan của người nói nữa. Vì vậy phải nói thế nào để ngắn gọn, rõ ràng, trúng vấn đề, thẳng thắn, nhưng đừng gieo hoang mang cho người nghe là điều hết sức cần thiết và phải trở thành nguyên tắc.


GS. TS Vũ Duy Thông cho biết vì ông là nhà thơ, đồng thời vừa làm văn học, vừa làm nhà báo, tức là làm loại công việc chuyển tải những thông điệp mà xã hội cần, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp lên.
Từ khi Đổi mới, dân chủ được mở rộng và phát huy mạnh mẽ, xã hội có rất nhiều tiến bộ nhưng cũng có điều cần nhìn nhận cho đúng, nhất là khi Đảng và Nhà nước chủ trương công khai hóa, minh bạch hóa hoạt động của cơ quan Nhà nước, ví dụ như tạo điều kiện để báo chí thông tin đầy đủ về các Kỳ họp QH.

Ông nói: Thực hiện quyền dân chủ là một quá trình vận động gian khó và lâu dài, cả hệ thống chính trị và từng người dân phải góp công sức, trí tuệ từ nhận thức về quyền dân chủ, nâng cao trình độ để có thể thực hiện đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện quyền dân chủ.Thực hiện quyền dân chủ (bao gồm cả mở rộng dân chủ và nâng cao quyền dân chủ) là một tồn tại xã hội, phải biết đòi hỏi nhưng cũng phải biết chờ đợi; vừa thể chế hóa nhưng cũng rất cần vận động, thuyết phục. Cần khắc phục khuynh hướng không sử dụng đầy đủ quyền dân chủ và cả khuynh hướng lợi dụng hoặc tùy tiện sử dụng quyền dân chủ.
Truyền hình, phát thanh trực tiếp đầy đủ một số phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn là rất cần thiết, là sự thể hiện rõ nét việc tăng cường thực hiện quyền dân chủ trong xã hội ta, cần được duy trì và phát huy.
Nhưng nhiều vấn đề được thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn thuộc diện bí mật quốc gia (nước nào cũng có những vấn đề bí mật quốc gia chưa thể công bố rộng rãi ngay) thì nên giải quyết như thế nào?

Một vấn đề khác, chất vấn và trả lời chất vấn thuộc quyền của các đại biểu QH và các thành viên Chính phủ. Đó là những vấn đề họ được biết, được hỏi.Tuy nhiên, những ý kiến hỏi và trả lời đó không cùng chất lượng như nhau, còn có một số ý kiến mới dừng lại ở cảm tính, chưa được xác minh. Vậy có cách nào để những thông tin đó khi vượt ra khỏi Hội trường QH, không ảnh hưởng đến cử tri, cả ở mặt tích cực và tiêu cực.
Thứ hai là việc phát biểu ý kiến, chất vấn và trả lời chất vấn tại QH. Theo dõi các phiên họp toàn thể tại hội trường qua báo chí, thấy tuy có tiến bộ nhưng việc phân bổ phát biểu không đều. Có đại biểu cả khóa không một lần phát biểu nhưng có đại biểu kỳ họp nào cũng phát biểu, thậm chí thảo luận về vấn đề gì cũng phát biểu, đi rất sâu vào chuyên môn dù chuyên môn đó rất xa với chuyên môn gốc của họ. Không rõ những đại biểu này có phải "cái gì cũng biết" không, nhưng qua phát biểu của họ, nhiều khi cử tri rất băn khoăn. Trong khi phát biểu, một vài người còn đưa ra những sự kiện, số liệu chưa được kiểm chứng, có tính cảm tính, suy diễn chủ quan, hiểu biết về luật không thật đầy đủ.
Việc đưa ra những nhận xét, chất vấn trong các kỳ họp QH là quyền của các đại biểu QH, nhưng khi những ý kiến ấy đến công chúng thì hiệu ứng của nó không còn theo ý chủ quan của người nói nữa.

Nói cho đủ, còn để dành thời gian cho người khác. Nói cho khách quan, không né tránh nhưng với một thái độ xây dựng. Dân mình có câu: "Lời nói không mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”. “Vừa lòng nhau”, tức là giữa những người đối thoại với nhau phải rõ cái tình (có tính trách nhiệm, xây dựng), cái lý (khoa học, hiểu biết, rõ ràng); “Vừa lòng nhau”, còn có nghĩa là phải có tác dụng tích cực đối với những người thứ ba, là đông đảo công chúng nghe mà thấy thẳng thắn, thuyết phục, nghe xong không còn u mê, chán nản, hoài nghi, càng vững tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống.

Việt Hải
Chinh phu.vn


II. VÀI Ý KIẾN VỚI PGS-TS VŨ DUY THÔNG VÀ VỚI TS NGUYỄN QUANG A
“Sau nhà báo Nguyễn Chính, đến lượt PGS-TS Vũ Duy Thông đăng đàn dạy khôn các đại biểu Quốc hội ! Vậy PGS-TS Võ Duy Thông là ai ? Ông vốn là Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban tư tưởng văn hóa TW; sau khi hết (đến) tuổi nghỉ hưu, ông sang làm Phó cho ông Đào Duy Quát, phụ trách tờ Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam…”
Cùng ngày, trên mạng Bauxite Việt Nam đăng bài “Đe dọa hay tranh luận?” của TS Nguyễn Quang A ;
Và qua nội dung 2 bài trên đây; ta thấy rằng, ở VN ta hiện nay đang tồn tại 2 quan điểm khác nhau trong vấn đề nhằm đưa đất nước đi đến một xã hội phản biện, xã hội dân chủ đích thực;

Thực lòng, tôi không muốn viết những dòng này, bởi vì các vị, PGS-TS Vũ Duy Thông và TS Nguyễn Quang A, là các bậc cao niên, lại có học hàm, học vị; trong khi tôi chỉ là kỹ sư, dạng “làng nhàng”; nhưng nghĩ lại, sẽ không có một xã hội phản biện, khi tiếng nói trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí là chỉ để dành cho phóng viên hoặc các vị quan chức…

Trở lại với bài báo của PGS-TS Vũ Duy Thông, theo cách nói của ông là: “… Nói cho đủ, còn để dành thời gian cho người khác. Nói cho khách quan, không né tránh nhưng với một thái độ xây dựng. Dân mình có câu: "Lời nói không mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”. “Vừa lòng nhau”, tức là giữa những người đối thoại với nhau phải rõ cái tình (có tính trách nhiệm, xây dựng), cái lý (khoa học, hiểu biết, rõ ràng); “Vừa lòng nhau”, còn có nghĩa là phải có tác dụng tích cực đối với những người thứ ba, là đông đảo công chúng nghe mà thấy thẳng thắn, thuyết phục, nghe xong không còn u mê, chán nản, hoài nghi, càng vững tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống”


Có phải vì “Lời nói không mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”; theo lối suy nghĩ của PGS-TS Vũ Duy Thông, cho nên, trong 65 năm kể từ ngày Quốc Hội nước ta được thành lập, chẳng có sự kiện nào đáng lưu lại trong tiềm thức nhân dân ta; ngoại trừ, sự kiện tại kỳ họp thứ 7 – QH khóa XII, các ĐBQH đã bác “dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam”; và mới đây, ngày 01/11/2010, tại kỳ họp thứ 8; ĐBQH GS Nguyễn Minh Thuyết kiến nghị xem xét trách nhiệm đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên CP nhân sự việc đổ bể của Vinasin.
Còn hầu hết, trong hơn nửa thế kỷ qua, mỗi khi thông qua, hoặc biểu quyết một vấn đề gì, ta thường nghe báo, đài, tường thuật: “đa số các đại biểu đều nhất trí tán thành với tờ trình của Chính phủ”; hoặc nghe đến mức đã quen tai “… sau XYZ ngày làm việc; Kỳ họp thứ… QH khóa… đã kết thúc thành công tốt đẹp” v.v
..;

Có thể nói, lối tư duy và cách suy nghĩ của PGS-TS Vũ Duy Thông là lối tư duy của những người rất thuộc triết học Mác, có thể nói vanh vách hàng giờ; nhưng không hiểu hết về nó; và đặc biệt, không biết vận dụng triết học Mác trong cuộc sống thực tiễn; theo đó, một trong những phương pháp xem xét sự vật, hiện tượng của phép biện chứng là “toàn diện, lịch sử và cụ thể”; và vì vậy, do không biết vận dụng tính lịch sử và cụ thể của thời đại (hôm nay); cho nên, có thể nói, Đất nước ta hiện đang khủng hoảng về đường lối; nếu đọc “BIÊN BẢN HỘI THẢO KHOA HỌC HỘI KHOA HỌC KINH TẾ VN và TRUNG TÂM THÔNG TIN VÀ DỰ BÁO KINH TẾ-XÃ HỘI QUỐC GIA”; thì ta sẽ hiểu như thế nào là sự bế tắc về đường lối phát triển đất nước, thông qua việc “Công bố, lấy ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XI của Đảng”, mà các báo đã đăng tải.
Tóm lại; lối tư duy và cách suy nghĩ của PGS-TS Vũ Duy Thông, là lối tư duy giáo điều; đại diện cho lớp người đang kìm hãm sự phát triển của đất nước trước yêu cầu của thực tiễn hôm nay; khi mà nước ta đã tham gia đầy đủ vào tất cả tổ chức quốc tế; các yếu tố khách quan về “thiên thời, địa lợi” đang rất thuận lợi; sẽ là dịp hiếm có mà nếu nắm bắt được, thì đây cơ hội lịch sử để đưa nước nhà đi lên;
Tiếc thay, những người như PGS-TS Vũ Duy Thông lại rất phổ biến trong xã hội ta hiện nay, trong khi lại đang nắm trọng trách lãnh đạo đất nước [ông Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch QH cũng nằm trong số này];

Ngược lại; có thể không chỉ riêng tôi, lại rất tán đồng với quan điểm của TS Nguyễn Quang A, khi TS nói: “Thực ra, nếu luôn luôn có sự đồng thuận thì xã hội không thể phát triển được. Cho nên xin đừng lạm dụng “sự đồng thuận” để trấn áp hay đe dọa những người có ý kiến khác mình. Sự đồng thuận đạt được theo cách như vậy chỉ là “sự đồng thuận ép buộc” và vì thế là giả hiệu và vô cùng tai hại cho sự phát triển của đất nước”.

Thật vậy, chỉ có sự đồng thuận sau khi được phản biện, phân tích, xem xét trên nhiều phương diện của một vấn đề; đó chính là “sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập”, mà nếu không có nó, thì sẽ không có sự phát triển; không thể để đạt đến chân lý!?
Và như vậy, tiếng nói trái chiều tại nghị trường QH nói riêng, trên tất cả các diễn đàn của đời sống, kinh tế, xã hội… là vô cùng cần thiết của một xã hội có mưu cầu phát triển;

Vì tầm quan trọng của yếu tố phản biện, chính vì thế mà trên Thế giới, cũng như trong tất cả các hoạt động khoa học… mới sinh ra nhóm tư vấn gồm những chuyên gia hàng đầu để phản biện cho những vấn đề có liên quan;
Suy cho cùng, khủng hoảng về đường lối mà trong đó chưa giám công khai thoát ra khỏi chủ nghĩa Mác, đang là thách thức lớn nhất đối với Đất nước ta hiện nay.
( Blog Nguyễn Hữu Quý )
Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=6851&prev=6854&next=6846

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét