Cơn lũ bùn là do đập chắn nước thải từ việc tuyển rửa quặng của xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng, xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng thuộc công ty khoáng sản luyện kim Cao Bằng – tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) đã bị vỡ.
Vụ việc xảy ra vào đêm 5.11, kéo theo hàng ngàn khối bùn đất từ thượng nguồn đổ xuống, tràn lấp cả dòng suối rồi ùa lên đồng ruộng, hoa màu, vườn tược, nhà cửa của người dân. Dọc hai bên bờ suối dài khoảng 2km, bùn đỏ ngập ngụa đồng ruộng
Tính đến thời điểm 17 giờ 30 phút ngày 7.11, mặc dù cơn lũ bùn đã bị ngăn chặn, tuy nhiên, hậu quả của nó để lại vẫn còn hết sức lớn. Hàng ngàn mét khối bùn vẫn đang tràn ngập nhà cửa và đồng ruộng, vấn đề đặt ra là đem chúng đi đâu và thu gom bằng cách nào là một bài toán khó với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.
Xử lý kiểu “đánh bùn ra sông”
Ngày 7.11, khi phóng viên có mặt tại hiện trường, con đường dân sinh vào mỏ Nà Lũng vẫn bị ách tắc, bùn đất vẫn tiếp tục đùn lên đường, khiến cho người và xe máy vẫn không thể qua lại.
Biện pháp duy nhất mà xí nghiệp sử dụng để khắc phục tình trạng tắc đường là dùng máy bơm, bơm nước từ sông vào rồi dùng máy xúc múc bùn đổ ra một con suối nhỏ để đưa ra sông Bằng có hàng vạn người dân sử dụng nước. Nhưng với cách làm này, chẳng khác gì “đánh bùn độc ra sông”, nếu giải quyết ô nhiễm được chỗ này thì chỗ khác lại ô nhiễm.
Chị Mã Thị Bạch (Nà Kéo, Duyệt Trung) hộ chịu thiệt hại nặng nhất do cơn lũ gây ra, than phiền: “Nhà tôi ở chỗ sâu nhất bị bùn ngập 1,5m, đã hai ngày nước rút nhưng bùn không rút là mấy. Hiện nay, vì mực bùn ở suối ngang bằng với mực bùn trong nhà nên không biết vét bùn đi đâu. Cứ múc đi được một tí thì bùn ngoài suối lại đùn vào. Cả nhà có vài bộ quần áo thì bị vùi lấp mất, giờ chồng tôi mới đi mua mấy bộ để mặc tạm. Hơn nữa, cũng không dám sắm nhiều vì có nhà đâu để ở và đựng đồ, cả nhà tôi phải ở nhờ trên cái lều nhỏ bên cạnh phòng bảo vệ của công ty bia Cao Bằng”.
Theo ông Lê Hồng Hải, chánh thanh tra, sở Tài nguyên và môi trường, sáng 7.11, sở đã có cuộc làm việc với xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng để xác định nguyên nhân của vụ vỡ đập và tìm giải pháp khắc phục. Tại cuộc làm việc này, phía xí nghiệp đã thừa nhận sự cố vỡ đập là do bờ đập được xây dựng từ năm 2005 nhưng không được gia cố lu lèn một cách cẩn thận nên móng đập đã bị thủng.
Tuy nhiên, khi chúng tôi vào hiện trường nơi con đập bị vỡ, một số công nhân (xin được giấu tên) lại cho biết: đập bị vỡ là do dưới đáy đập có một cống lớn dùng để xả thải mỗi khi có mưa lũ hàng năm. Lượng bùn đất trong đập sẽ theo mưa lũ rồi cuốn ra sông Bằng và con sông này sẽ cuốn đi mọi chứng cứ.
Thông tin từ những công nhân trên trùng khớp với thông tin ông Lê Hồng Hải, cung cấp: năm 2008, xí nghiệp này đã bị xử phạt 70 triệu đồng vì có hành vi xả thải trộm. Theo ông Hải, lãnh đạo xí nghiệp nghe dự báo thời tiết là sẽ có mưa lũ về nên đã ra lệnh cho xả thải trước. Tuy nhiên, năm đó mưa lũ lại không về nên hành động xả thải trộm này đã bị lộ và bị bắt quả tang.
Còn khi làm việc với ông Đoàn Ngọc Báu, phó chi cục trưởng chi cục Bảo vệ môi trường lại khẳng định: Năm 2005, xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng đã tự ý xây dựng đập chắn thải số 4 (bể bị vỡ), đồng thời đập này cũng nằm ngoài phạm vi đất được cấp.
Quan trọng hơn, mặc dù là đập cấp quốc gia nhưng xí nghiệp không hề có bản vẽ thiết kế cũng như báo cáo tác động môi trường. Việc làm này đã bị thanh tra sở Tài nguyên và môi trường lập biên bản xử phạt và yêu cầu hoàn chỉnh mọi thủ tục. Tuy nhiên, đã năm năm trôi qua, đến nay công ty này vẫn chưa có được các thủ tục trên.
Dòng sông ô nhiễm
Ông Nguyễn Hoàng Anh, chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo sở Tài nguyên và môi trường cùng các cơ quan chức năng, cần làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm đối với xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng. Tuy nhiên, trước mắt xí nghiệp này cùng chính quyền thị xã Cao Bằng cần trích ngay kinh phí cho hai gia đình bị thiệt hại nặng nhất để ổn định cuộc sống và có tiền đi thuê nhà ở.
Ông Hoàng Anh cũng yêu cầu xí nghiệp này phải làm ngay cầu tạm để phục vụ đi lại cho bà con, tuyệt đối không để tình trạng tắc đường như hiện tại. Đồng thời phải dừng ngay việc bơm nước để đẩy bùn ra sông Bằng như hiện nay. Vì nếu hàng chục ngàn mét khối bùn đưa ra sẽ gây ô nhiễm nặng cho dòng sông Bằng.
Hiện nay, xí nghiệp này lại đang tiến hành xây dựng tiếp đập chắn thải số 5, với cách xây dựng và công tác giám sát lỏng lẻo như hiện nay của các cơ quan chức năng, thì ai chắc được sự cố vỡ đập có còn xảy ra nữa hay không? Câu trả lời thuộc về ngành chức năng của tỉnh Cao Bằng và chính bản thân xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng cũng như tập đoàn TKV.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét